Hướng dẫn chế độ kế toán, lập BCTC có hiệu lực từ 01/01/2019
1. Thông tư 74/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán đối với khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn các nội dung sau đây:
- Kế toán nợ công, bao gồm kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương;
- Thống kê các khoản nợ cho vay lại (cho vay lại từ vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài) và bảo lãnh Chính phủ;
- Tổng hợp báo cáo nợ công.
Đặc biệt hướng dẫn rõ về lập chứng từ kế toán, cụ thể như sau:
- Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài đều phải lập chứng từ kế toán; chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
- Yêu cầu đối với việc lập chứng từ kế toán
+ Trên chứng từ kế toán phải ghi đầy đủ, rõ ràng, chính xác các nội dung theo quy định. Đối với chứng từ lập trên giấy, chữ viết trên chứng từ phải cùng một nét chữ, ghi rõ ràng, thể hiện đầy đủ, đúng nội dung phản ánh, không được tẩy xoá; khi viết phải dùng cùng một màu mực, loại mực không phai; không viết bằng mực đỏ.
+ Về ghi số tiền bằng số và bằng chữ trên chứng từ: Số tiền viết bằng chữ phải khớp đúng với số tiền viết bằng số; tổng số tiền phải khớp đúng với tổng các số tiền chi tiết; chữ cái đầu tiên phải viết bằng chữ in hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa; phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không được viết tắt, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn; chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ.
+ Đối với chứng từ lập trên giấy, chứng từ bị tẩy xoá, sửa chữa đều không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai vào mẫu chứng từ in sẵn thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo chứng từ viết sai.
+ Yếu tố ngày, tháng, năm của chứng từ phải viết bằng số.
2. Thông tư 99/2018/TT-BTC hướng dẫn lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn các nguyên tắc, phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính tổng hợp của một đơn vị kế toán nhà nước gồm nhiều đơn vị kế toán trực thuộc.
Thông tư nêu rõ danh mục báo cáo tài chính tổng hợp, gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính tổng hợp;
- Báo cáo kết quả hoạt động tổng hợp;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tổng hợp (theo phương pháp gián tiếp);
- Thuyết minh báo cáo tài chính tổng hợp.
Thông tư 99/2018 áp dụng cho việc lập báo cáo tài chính tổng hợp từ năm tài chính 2018.
Thanh Hữu
Nguồn tin: thuvienphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn