Loading...

Tòa án Tối cao: Giải quyết nghiệp vụ tại Kỳ họp tháng 7/2019

Thứ bảy - 24/08/2019 22:32
Phiên họp tháng 7/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết rất nhiều vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là những vụ án có tính phức tạp...

Đòi tiền từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì Tòa án có phải xem xét về hợp đồng?

Ông Lê Đức D khởi kiện yêu cầu buộc bà Đõ Thị H trả lại khoản tiền 7 tỷ đồng (và lãi của khoản tiền này) là tiền nhận chuyển nhượng lại lô đất G12 không thành. Bà H thừa nhận đã nhận tiền như ông D khai, thừa nhận dự kiến nhượng lại cho ông D lô đất G12 mà bà nhận chuyển nhượng lại của ông M, và ông M mới là người đang có hợp đồng nhận chuyển nhượng lô đất này với Công ty N. Bà H cũng thừa nhận Công ty N không đồng ý chuyển ký hợp đồng với ông D nhưng phải đưa ông M vào tham gia tố tụng vì bà đã giao tiền cho ông M.

Ông D và bà H đều thừa nhận đã cùng nhau ký “Giấy nhượng quyền sử dụng đất” đề ngày 28/1/2011; ngày 13/4/2012, bà H ký “Giấy biên nhận” có nội dung nếu việc chuyển nhượng không thành sẽ hoàn lại tiền cho ông D và tiền lãi theo quy định của Ngân hàng; ngày 3/5/2013, bà H viết “Giấy cam kết” có nội dung đến cuối tháng 9/2013 sẽ thanh toán tiền cho ông D.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn D; buộc bà H trả ông D số tiền 7.000.000.000 đồng và tiền lãi là 2.123.037.500 đồng. Do bà H có đơn yêu cầu giám đốc thẩm, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 37/2017/DS-GĐT ngày 25/4/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao xét xử sơ thẩm lại.

Ông D có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 11/7/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định: Hủy Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội; giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm của TAND thành phố Hà Nội.

Từ nhận định của Hội đồng Thẩm phán, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như sau:

Một nguyên tắc về phạm vi xét xử đã được quy định rõ là Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện và “chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó” (Khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2004; Khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2015).

Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 7/2019 của Hội đồng Thẩm phán

Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Nguyên đơn trong vụ án này (ông D) khởi kiện đòi bị đơn (bà H) thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền từ việc chẩm dứt hợp đồng. Bị đơn cũng thừa nhận nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Giấy biên nhận ngày 13/4/2012 và Giấy cam kết ngày 3/5/2013 đã thể hiện rõ hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Như vậy, phạm vi giải quyết của vụ án chỉ là nghĩa vụ trả tiền của bà H cho ông D theo thỏa thuận ngày 13/4/2012. Không có ai yêu cầu giải quyết về quan hệ hợp đồng chuyển nhượng. Bà H có yêu cầu đưa ông M vào tham gia tố tụng chứ không phải yêu cầu ông M trả lại tiền; nếu có yêu cầu ông Mtrả tiền thì cũng là một quan hệ tranh chấp khác với yêu cầu đòi tiền của ông D mà bà H phải khởi kiện riêng.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định đúng quan hệ tranh chấp, đúng phạm vi xét xử là thực hiện nghĩa vụ trả tiền từ việc chấm dứt hợp đồng. TAND cấp cao lại cho rằng phải xem xét hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực không là xác định không đúng quan hệ tranh chấp và phạm vi xét xử. Thực tế, các đương sự đều đã thừa nhận giao dịch (hợp đồng) chuyển nhượng lại không thể tiến tới ký kết và thực hiện được, tức là vô hiệu,  không có ai yêu cầu công nhận hợp đồng này là hợp pháp.

Từ việc xác định sai quan hệ tranh chấp và phạm vi xét xử, TAND cấp cao cũng xác định sai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Yêu cầu duy nhất trong vụ án là yêu cầu của ông D đòi bà H trả tiền. Việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của ông D không làm phát sinh một quyền dân sự hay nghĩa vụ dân sự nào với ông M và Công ty N. Do vậy, TAND cấp cao cho rằng phải đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan)  nên đã hủy Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm là không đúng quy định tại Điều 68 BLTTDS.

Tình tiết, sự kiện không phải chứng minh là tình tiết trong phần nhận định hay phần quyết định của bản án

Ông Mai H khởi kiện đòi bà Mai Thị Đ (chị ông H) trả lại diện tích 1.497m2 đất ruộng trong số đất cha mẹ để lại cho 3 người con là ông H, bà Đ và bà M. Ông H xuất trình Biên bản họp gia đình ngày 25/3/1993 có nội dung ông H, bà Đ, và bà M thỏa thuận chia đất cha mẹ để lại. Bà Đ không đồng ý trả đất cho ông H và cho rằng Biên bản ngày 25/3/1993 là giả mạo.

Bà M đã khởi kiện đòi đất từ năm 2004. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 107/2011/DS-PT ngày 26/1/2011, TAND TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận yêu cầu của bà M; buộc bà Đ trả lại cho bà M diện tích 1.500m2 đất. Nay bà M cho rằng việc ông H kiện đòi bà Đ giao trả đất theo Biên bản ngày 25/3/1993 là có căn cứ.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của ông H, buộc bà Đ trả cho ông H 1497m2 đất. Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn (bà Đ đã chết trước khi xét xử phúc thẩm) có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 154/2017/DS-GĐT ngày 27/7/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã hủy Bản án dân sự sơ thẩm, Bản án dân sự phúc thẩm, giao xét xử sơ thẩm lại. Ông H có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 11/7/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định hủy Quyết định giám đốc thẩm số 154/2017/DS-GĐT nêu trên; giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP. Hồ Chí Minh.

Từ nhận định của Hội đồng Thẩm phán, có vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý là:

Quyết định giám đốc thẩm số 154/2017/DS-GĐT của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm vì lý do tình tiết quan trọng nhất là Biên bản ngày 25/3/1993 chỉ là bản sao (photocopy) và bà Đ không thừa nhận đã ký nhưng không được thu thập bản chính và trưng cầu giám định.

Hội đồng Thẩm phán nhất trí với Kháng nghị của Chánh án TANDTC là không cần thu thập thêm chứng cứ về Biên bản ngày 25/3/1993 vì sự kiện chia đất này đã có trong Bản án số 107/2011/DS-PT đang có hiệu lực pháp luật. Đó là nhận định: “Năm 1993 giữa các ông, bà Mai Thị Đ, Mai Thị M, Mai H thống nhất phần đất ruộng gồm 2 thửa 149, 150 tờ bản đồ số 4, diện tích 4.564mtại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có nguồn gốc của ông bà, cha mẹ để lại, nay các bên thỏa thuận phân chia cho 3 người là bà Đ, bà M, ông H mỗi người 1.500m2đất”.

Bản án số 107/2011/DS-PT nhận định và quyết định trên cơ sở các chứng cứ thu thập được, trong đó có lời khai của bà Đ là ông H đã bán lại phần của ông H cho bà Đ. Như vậy là bà Đ đã thừa nhận có việc chia đất, bà M (là nguyên đơn trong vụ án này) không phải chứng minh về sự kiện bà Đ đã thừa nhận. Các đương sự có quyền rút lại lời khai của mình nên trong vụ án do ông H là nguyên đơn, bà Đ có thể khai khác với lời khai của vụ án trước. Tuy nhiên, Nhận định của Tòa án trong bản án đang có hiệu lực pháp luật có giá trị khác với lời khai của đương sự.

Cũng có ý kiến cho rằng tình tiết, sự kiện không phải chứng minh vì có trong bản án là tình tiết, sự kiện phải nằm trong phần quyết định của bản án. Nhận định và quyết định của Hội đồng Thẩm phán trong vụ án này đã chỉ rõ không đòi hỏi tình tiết, sự kiện đó phải nằm trong phần quyết định của bản án mà có thể chỉ ở phần nhận định. Xác định này cũng phù hợp với lời văn của  điều luật là “tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án” (Điểm b Khoản 1 Điều 92 BLTTDS) chứ không phải chỉ trong phần quyết định của bản án.

Giá trị quyền sử dụng đất tăng lên do các yếu tố thị trường có được coi là căn cứ xác định công sức của người quản lý?

Ông Trần Hậu Đ khai rằng đã nhận chuyển nhượng vườn cà phê (tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắk) của ông Đoàn và ông Nguyễn (có diện tích 16.000 m2, trên đất có nhà tạm) từ năm 1992; cùng năm 1992 đã cho vợ chồng chị ruột (bà Trần Thị C) từ quê (Nghệ An) vào ở cùng; và từ năm 1994 ông đi làm việc ở nước ngoài nên đã giao cho vợ chồng bà C quản lý, chăm sóc vườn cà phê. Ông Đ khởi kiện đòi vợ chồng bà C trả lại vườn cà phê. Vợ chồng bà C không đồng ý trả và khai rằng đã mua lại nhà và vườn cà phê của ông Đ. Tuy nhiên, giấy tờ có nội dung nhân chứng đã dùng tiền mua nhà của bà C (ở Nghệ An) để trả cho ông Đ lại bị nhân chứng xác nhận là làm giả theo yêu cầu của bà C.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 78/2017/DS-PT ngày 21/9/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên Bản án sơ thẩm, buộc vợ chồng bà C phải trả ông Đ toàn bộ diện tích đất 16.000m2 và tài sản trên đất, bác yêu cầu của ông Đ về đòi hoa lợi từ năm 2006 đến năm 2016.

Bà C có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 11/7/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên, giao cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại. Từ nhận định của Hội đồng Thẩm phán, có một số vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý như sau:

Về tư cách chủ thể đòi lại tài sản của ông Đ: Ông Đ khởi kiện đòi lại khối bất động sản mà ông không có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, không có tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng như ông nêu trong đơn. Vậy căn cứ nào để xác định ông Đ là chủ tài sản, là người có quyền đòi lại tài sản đó? Đó chính là sự xác nhận từ lời khai của bị đơn. Bà C khai rằng đã mua lại của ông Đ có nghĩa là thừa nhận chủ tài sản trước khi mua lại là ông Đ. Đối với tình tiết một bên đương sự đã thừa nhận thì đương sự bên kia không phải chứng minh nữa (Khoản 2 Điều 95 BLTTDS). Việc ông Đ nhận chuyển nhượng của ông Đoàn và ông Nguyễn không có tranh chấp, không vi phạm điều cấm của pháp luật nên đủ cơ sở xác định ông Đ là chủ sử dụng đất hợp pháp, chủ sở hữu hợp pháp với tài sản gắn liền với đất mà ông đã nhận chuyển nhượng. Hội đồng Thẩm phán thống nhất với nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và xác định việc buộc trả lại tài sản cho ông Đ là đúng.

Về yêu cầu đòi lại hoa lợi: Trong quá trình xét xử trước đây, đã có cấp Tòa án buộc vợ chồng bà C phải trả lại hoa lợi thu được cho ông Đ trên cơ sở nhận định hoa lợi thu được từ tài sản đương nhiên thuộc chủ tài sản. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm (vừa bị hủy) đã bác yêu cầu đòi hoa lợi của ông Đ. Hội đồng Thẩm phán thống nhất với việc bác yêu cầu đòi hoa lợi vì hai bên không có thỏa thuận bên quản lý phải trả hoa lợi cho bên giao quản lý. Nhận định này của Hội đồng Thẩm phán tuy chưa có cơ sở pháp lý trong pháp luật ở thời điểm giao quản lý (1992) nhưng phù hợp với quy định hiện hành. Vợ chồng bà C tuy không được xác định là người nhận chuyển nhượng lại thì cũng là người chiếm hữu ngay tình. Người chiếm hữu ngay tình được hưởng hoa lợi mà tài sản mang lại (Khoản 3 Điều 184 BLDS năm 2015).

Về công sức quản lý: Hội đồng Thẩm phán đã thống nhất với nhận định của Kháng nghị là gia đình bà C “có nhiều công sức trong việc quản lý, gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất” nên không xem xét, tính công sức là “chưa đảm bảo quyền lợi” cho gia đình bà C. Như vậy, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên tuy từ nhiều yếu tố nhưng nó vừa là cơ sở để xác định công sức, vừa là căn cứ để tính công sức cho người quản lý.
Chu Minh - Thẩm phán TANDTC

Nguồn tin: congly.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây