Nhìn lại 3 năm thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
Ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, trở thành một nguyên tắc hiến định ghi nhận ở Điều 67- Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (năm 1991), Đảng ta cũng khẳng định rõ: “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với nước, vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nâng cao mức sống về mặt vật chất tinh thần của người có công…”.Thể chế hoá đường lối của Đảng, các qui định của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, năm 1994, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Sau 10 năm thực hiện, ngày 29/06/2005, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11, sửa đổi bổ sung Pháp lệnh cũ (năm 1994) về ưu đãi người có công với Cách mạng. Sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống, thành tựu đạt được trong lĩnh vực ưu đãi xã hội là rất lớn nhưng cũng còn không ít những vướng mắc, tồn tại, thách thức ở phía trước…
Thành tựu sau 3 năm thực hiện Pháp lệnh
Có thể khẳng định, thành tựu nổi bật và đã trở thành định hướng, phương châm hành động, đó là: Người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần; được trân trọng, tôn vinh, biết ơn, đền ơn trả nghĩa…. Ưu đãi xã hội đối với người có công là tình cảm và trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội. Đây là yếu tố thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội; thúc đẩy sự nghiệp đổi mới với tiến trình hội nhập và phát triển.
Pháp lệnh ra đời với nhiều mục tiêu, đó là: Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mở rộng diện đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi; Qui định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với thực tiễn của các thời kì cách mạng khác nhau, phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính; Qui định chế độ trợ cấp mới gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, đạt yêu cầu tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội; Qui định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước về ưu đãi xã hội; Qui định chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm đầy đủ, chính xác, phù hợp với hoạt động cải cách tư pháp, hoạt động xây dựng luật pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, chuyển tải Pháp lệnh vào đời sống xã hội, hàng loạt văn bản qui phạm ra đời, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi xã hội, như: Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, Nghị định số 45/2006/ NĐ-CP, Nghị định số 16/2007/ NĐ-CP, Nghị định số 105/2008/ NĐ-CP, Nghị định số 89/2008/ NĐ-CP, Nghị định số 38/2009/ NĐ-CP… cùng nhiều thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các thông tư liên tịch khác.
Có một thành tựu khá nổi bật là chế độ trợ cấp ưu đãi xã hội đã có sự đổi mới căn bản. Gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, mức trợ cấp ưu đãi xã hội được điều chỉnh trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trợ cấp ưu đãi xã hội 3 năm qua có 3 lần điều chỉnh. Đây là một minh chứng rõ nét nhất sự quan tâm, trách nhiệm của Nhà nước, nỗ lực đảm bảo nguồn lực tài chính chi cho lĩnh vực này. Năm 2007, nguồn lực tài chính dành riêng ưu đãi xã hội là 13.000 tỷ đồng, năm 2008 là 15.000 tỷ đồng, năm 2009 là 17.000 tỷ đồng (riêng năm 2009, cùng với nguồn lực tài chính từ địa phương, nguồn huy động từ xã hội hóa, chi ưu đãi xã hội đối với người có công lên tới 20.000 tỷ đồng).
Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; chế độ ưu đãi đối với con của người có công đang theo học ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên (hoặc đã mất) thì con của họ đang theo học ở nhà trường được hưởng chế độ trợ cấp mỗi năm một lần mua đồ dùng, sách vở, dụng cụ học tập, được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác, học sinh học ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, dân tộc nội trú được hưởng trợ cấp hàng tháng. Người có công (đặc biệt là người hoạt động kháng chiến không hưởng lương bảo hiểm xã hội- khoảng 2,1 triệu người) được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức 3% lương tối thiểu. Nguồn ngân sách chi bảo hiểm y tế, ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công và thân nhân của họ mỗi năm lên tới trên 1000 tỷ đồng…Cùng với chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng, chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp (về kinh tế xã hội) đã góp phần nâng cao mức sống người có công, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ trong ưu đãi xã hội.
Bên cạnh đó, vấn đề xã hội hóa và phong trào chăm sóc người có công với cách mạng được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Năm chương trình tình nghĩa (nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, xã (phường) làm tốt công tác thương binh liệt sĩ) tiếp tục được duy trì, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị xã hội, làm nên nét đẹp, tính ưu việt của đời sống xã hội, nền văn hóa Việt Nam.
Một số tồn tại, vướng mắc
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, sau 3 năm thực hiện Pháp lệnh, cả trong hoạch định và tổ chức thực thi cũng còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc.
Về hệ thống chính sách, pháp luật: Hiện có 3 Pháp lệnh điều chỉnh lĩnh vực ưu đãi xã hội (Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh qui định danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Mam Anh hùng, Pháp lệnh số 35/2007/PL/UBTVQH11 sửa đổi bổ sung một số điều về Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng). Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện khá đồ sộ, luôn thay đổi, thiếu tính thống nhất, thiếu chặt chẽ và nhiều nội dung cần được thể chế; việc thực thi cũng chưa thật đồng bộ. Các trình tự, thủ tục ưu đãi về đất đai, nhà ở, thuế, tín dụng, y tế, giáo dục đào tạo…chưa được thể chế hoá kịp thời để sớm tổ chức thực hiện trong cuộc sống). Một số chính sách, pháp luật hiện hành cũng còn nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chẳng hạn như, cần sớm có văn bản hướng dẫn xác nhận, thực hiện ưu đãi người hoạt động cách mạng trước năm 1945, người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; văn bản xác nhận thương binh, liệt sĩ trong điều kiện hoàn cảnh mới (đấu tranh chống tội phạm, dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng an ninh, dũng cảm cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân, thương binh chết do vết thương tái phát…); văn bản qui định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Điều 34 đến Điều 41 liên quan đến trách nhiệm, chức năng của các bộ, ngành…Một số chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, về chăm sóc sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng, chế độ trợ cấp…. cũng cần phải sửa đổi, bổ sung để việc ưu đãi xã hội đồng bộ, đầy đủ và có tính khoa học hợp lý hơn….
Ngoài ra, vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc người có công (tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực xã hội) và phong trào đền ơn đáp nghĩa 3 năm qua có xu hướng giảm. Quĩ Đền ơn đáp nghĩa mỗi năm chỉ đạt được mức dưới 150 tỷ đồng, phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa thực sự phát triển… Trong số gần 1,7 triệu hộ gia đình người có công vẫn còn xấp xỉ 40% số hộ có mức sống nghèo và cận nghèo (gần 10% số hộ nghèo, gần 30% số hộ diện cận nghèo).
Nhiệm vụ và giải pháp
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Trước mắt, cần thể chế hoá đầy đủ các qui định về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; các chế độ ưu đãi về kinh tế - xã hội.
2. Điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi về kinh tế-xã hội nhằm nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình họ có mức sống trên mức trung bình của xã hội.
3. Tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công.
4. Thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo…tạo điều kiện cho bản thân người có công và gia đình họ (đặc biệt là con của họ) học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển về kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
5. Đổi mới quản lý Nhà nước về ưu đãi xã hội, chú trọng cả 3 nội dung thể chế chính sách, tổ chức bộ máy và công chức công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý những sai sót, tiêu cực, trong lĩnh vực này, tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với người có công với nước./.
- Bùi Hồng Lĩnh
Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội
Nguồn tin: nguoicocong.gov.vn