Thời điểm bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện
Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) chỉ được quyền khởi tố vụ án hình sự (VAHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại và họ chỉ được quyền rút yêu cầu khởi tố thuộc một trong các tội danh được liệt kê tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 [1]. Đây là những tội danh mà người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của bị hại cũng như ảnh hưởng đến nhà nước và xã hội ở mức độ hạn chế; nếu như để họ tiếp tục theo đuổi vụ án thì có thể gây mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của họ, thậm chí còn có thể làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và còn gây ra tiếp những tổn hại về tinh thần cho họ. Do vậy, tố tụng hình sự (TTHS) đã trao cho bị hại quyền tự quyết và định đoạt, tức là vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong một số trường hợp đặc biệt và họ cũng có thể rút lại yêu cầu của mình để chấm dứt tiến trình giải quyết vụ án để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bị hại, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của xã hội và nhiệm vụ của nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bảo vệ bị hại không chỉ đơn thuần là trừng trị người phạm tội mà trong một số trường hợp còn phải xem xét đến nguyện vọng của bị hại mong muốn xử lý người phạm tội như thế nào. Nếu bị hại hoặc người đại diện của họ đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
1. Quy định của pháp luật tố tụng về thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Trước đây, BLTTHS năm 2003 quy định: “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ” [2]. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã bỏ cụm từ “trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” khi quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án” [3]. Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố VAHS so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, việc này dẫn đến trường hợp có nhiều quan điểm khác nhau.
Ba nữ bị cáo bị truy tố về tội làm nhục người khác
Quan điểm thứ nhất cho rằng [4] , bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm nghị án và theo đó HĐXX quyết định đình chỉ vụ án [5] . Trường hợp, HĐXX đã ra bản án, thì việc rút yêu cầu này chỉ có ý nghĩa là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không phải là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ vụ án. Bởi lẽ, việc xét xử của Tòa án không phải theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại mà là theo truy tố của Viện kiểm sát; và căn cứ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm không quy định đây là căn cứ để đình chỉ vụ án [6] .
Quan điểm thứ hai cho rằng [7] , bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố ở bất kỳ giai đoạn nào, kể cả giai đoạn phúc thẩm. Theo đó, ở giai đoạn sơ thẩm, khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án [8] và tại phiên tòa thì HĐXX quyết định đình chỉ vụ án [9] . Tuy nhiên, trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm còn trong thời hạn kháng cáo mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm. Ở giai đoạn phúc thẩm, bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu thì HĐXX hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án [10] .
Chúng tôi đồng tình theo hướng xử lý như quan điểm thứ hai. Bởi vì, một khi luật không quy định hoặc quy định không rõ ràng, thì giải pháp đề ra cần phải tuân thủ theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại, mà còn thể hiện sự tôn trọng, thực hiện quyền tự định đoạt đối với vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn có những điểm chưa phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tiễn và cần được hoàn thiện.
2. Thực trạng pháp luật về thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Việc xác định thẩm quyền giải quyết thuộc về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay HĐXX thông qua giai đoạn chuyển tiếp là “ngày mở phiên tòa” là chưa hợp lý, vì ngày mở phiên tòa và ngày có quyết định đưa vụ án ra xét là không giống nhau. Ngày mở phiên tòa là ngày được ấn định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử (nếu phiên tòa không thuộc trường hợp phải hoãn hoặc tạm ngừng), còn ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử là ngày ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử [11] . Về nguyên tắc, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì mọi thẩm quyền quyết định thuộc về HĐXX, trừ trường hợp giải quyết các yêu cầu, đề nghị về cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; đề nghị về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (trừ biện pháp tạm giam), biện pháp cưỡng chế; đề nghị về xét xử công khai hoặc xét xử kín, yêu cầu vắng mặt của người tham gia tố tụng thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trước khi mở phiên tòa [12] . Tuy nhiên, cũng có những yêu cầu phát sinh trước khi mở phiên tòa như yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án; đề nghị về việc xét xử theo thủ tục rút gọn thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa báo cáo với Chánh án hoặc Phó Chánh án được phân công giải quyết theo thẩm quyền [13] .
Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi HĐXX vào nghị án, thì HĐXX phải thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập biên bản về việc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi HĐXX vào nghị án thì vấn đề xem xét để đình chỉ vụ án có được giải quyết khi nghị án và khi kết thúc việc nghị án HĐXX có quyền quyết định đình chỉ vụ án hay không thì Điều 326 BLTTHS năm 2015 (nghị án) không có đề cập đến, nên đây vẫn là sự thiếu sót và hạn chế của điều luật.
Kiến nghị hoàn thiện
Theo chúng tôi, cần sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 326 BLTTHS năm 2015 (Nghị án) theo hướng: “a) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án hay không”. Và bổ sung điểm e vào khoản 6 Điều 326 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “e) Đình chỉ vụ án”.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định này vừa đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 về việc ra bản án, quyết định của Tòa án, đặc biệt là khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 về thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố kể cả tại phiên tòa trước khi HĐXX vào nghị án và đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHS – mọi hoạt động TTHS phải được thực hiện theo quy định của BLTTHS [14]. Bởi vì, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHS là quan điểm, tư tưởng có tính bắt buộc, định hướng, chỉ đạo toàn bộ quy định trong BLTTHS năm 2015 cũng như hoạt động TTHS trên thực tiễn [15].
2.2. Việc bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa phúc thẩm
Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm, thì HĐXX sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 255 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, quy định tại Điều 359 BLTTHS năm 2015 về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án lại không quy định về trường hợp khi bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm thì HĐXX được quyền hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là chưa giải quyết hệ quả của việc mở rộng thời điểm rút yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015.
Kiến nghị hoàn thiện
Theo chúng tôi, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 359 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Việc bổ sung quy định này là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 về thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố kể cả ở giai đoạn phúc thẩm và đảm bảo nguyên tắc pháp chế, đảm bảo tính pháp lý về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm. Ngoài ra, phương án trên khả thi hơn phương án bổ sung cụm từ “và 8” vào khoản 2 Điều 359 BLTTHS năm 2015: “Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”. Bởi vì, theo quy định tại khoản 8 Điều 157 BLTTHS năm 2015 thì bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố, khác với trường hợp có yêu cầu khởi tố nhưng sau đó đã rút lại yêu cầu.
2.3. Việc cần thiết mở rộng thẩm quyền đối với Thẩm phán được phân công, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Trong trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm bị hại hoặc người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố thì phải đợi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tiếp tục chờ đợi đến ngày mở phiên tòa để HĐXX hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Từ đó, không những vụ án bị kéo dài, gây mất thời gian, tốn kém chi phí khi phải thành lập HĐXX và đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, nếu không kịp thời được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng hình thức cho tại ngoại, thì phải chờ đến ngày Tòa án mở phiên tòa và ban hành quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án kèm theo việc tuyên trả tự do cho bị cáo.
Vấn đề này xuất phát từ việc Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa không có thẩm quyền ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, xét về bản chất thì việc đình chỉ giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm với việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, kết quả cuối cùng cũng là chấm dứt tiến trình tố tụng để khép lại vụ án, do bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố nên căn cứ để khởi tố vụ án đã không còn.
Kiến nghị hoàn thiện
Theo chúng tôi, cần mở rộng thẩm quyền giải quyết của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa; và mở rộng thẩm quyền của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa (đối với vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường), Thẩm phán được phân công (đối với vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Cụ thể là bổ sung điểm e vào khoản 1 Điều 279 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “e) Yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại về việc rút yêu cầu khởi tố”; Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 346 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “c) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”; Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 464 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “c) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Việc bổ sung quy định này nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho bị cáo trong trường hợp bị tạm giam, trong khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố trước khi Tòa án mở phiên tòa (ở giai đoạn sơ thẩm) hoặc họ đã kháng cáo rút yêu cầu khởi tố (điều này đã thể hiện sự tự nguyện của họ thông qua việc được Tòa án cấp sơ thẩm hướng dẫn làm đơn kháng cáo rút yêu cầu khởi tố, nên không cần thiết phải mở phiên tòa phúc thẩm để kiểm tra lại) và kết quả cuối cùng của việc đình chỉ giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm với việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đều là chấm dứt tiến trình tố tụng để khép lại vụ án, do bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố nên căn cứ để khởi tố vụ án đã không còn.
2.4. Điều kiện để vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại được giải quyết theo thủ tục rút gọn ở giai đoạn phúc thẩm
Thủ tục rút gọn trong TTHS được hiểu là thủ tục TTHS đặc biệt, được áp dụng có điều kiện nhằm rút ngắn về thời gian tố tụng, giản lược một số thủ tục nhất định nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong TTHS nhằm giúp cho việc giải quyết VAHS được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong TTHS.
Theo quy định tại Điều 456 BLTTHS năm 2015 cho thấy, có 02 trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn ở cấp phúc thẩm. Trường hợp thứ nhất: Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn từ giai đoạn xét xử sơ thẩm nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc hưởng án treo. Trường hợp thứ hai: Vụ án chưa được áp dụng thủ tục này nhưng ở giai đoạn phúc thẩm thấy có đủ điều kiện áp dụng thì Tòa án quyết định. Điều kiện áp dụng là vụ án phải thỏa mãn 04 điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 và kèm theo một trong hai điều kiện, đó là kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc được hưởng án treo. Như vậy, giai đoạn phúc thẩm có đến 05 điều kiện để được xét xử theo thủ tục rút gọn.
Đối với vụ án thuộc trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú và sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng và tội phạm đã thực hiện là tội ít nghiêm trọng và người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng thì được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn. Thậm chí, ở giai đoạn sơ thẩm được giải quyết theo thủ tục thông thường nhưng sau đó chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo thì vẫn được giải quyết phúc thẩm theo thủ tục rút gọn [16]. Tuy nhiên, đối với trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn, sau đó bị hại hoặc người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố vụ án thì giai đoạn phúc thẩm bắt buộc phải chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường, do điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử phúc thẩm không cho phép đối với trường hợp này. Chúng tôi cho rằng, việc này là chưa hợp lý, vì trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố vụ án đơn giản hơn các trường hợp nêu trên.
Kiến nghị hoàn thiện
Theo chúng tôi, cần mở rộng điều kiện để vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn ở giai đoạn xét xử phúc thẩm [17]. Theo đó, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 456 BLTTHS năm 2015 theo hướng:
“2. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc bị hại, người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố;
b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc bị hại, người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố.”
Việc bổ sung quy định trên, đảm bảo tính hợp lý khi vụ án đã được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn và sau đó bị hại hoặc người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án được tiếp tục xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn hoặc tuy ở giai đoạn sơ thẩm không được giải quyết theo thủ tục rút gọn nhưng vụ án chỉ có bị hại hoặc người đại diện của bị hại kháng cáo rút yêu cầu khởi tố thì cũng cần thiết áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và phù hợp với đề xuất về việc mở rộng thẩm quyền của Thẩm phán được phân công ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm nêu trên.
Kết luận
Khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại là quy định đặc thù thể hiện quyền tự quyết và tự định đoạt của bị hại trong TTHS, nên họ cũng được quyền rút yêu cầu khởi tố để chấm dứt tiến trình tố tụng nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho mình. BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố so với BLTTHS năm 2003. Từ đó, đã kéo theo nhiều quy định trong BLTTHS năm 2015 cần phải tương thích với quy định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại. Tuy nhiên, qua phân tích nêu trên cho thấy quy định của BLTTHS năm 2015 về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại vẫn còn một số điểm hạn chế, bất cập nhất định. Do vậy, trong tương lai, khi BLTTHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung cần hoàn thiện các vấn đề nêu trên, để nhằm đảm bảo tính hợp lý, có sự gắn kết và thống nhất giữa các điều luật với nhau, đặc biệt là đảm bảo tốt hơn quyền lợi của bị hại, bị cáo và đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHS./.
Chú dẫn:
1.Cụ thể là các tội thuộc khoản 1 các điều: Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), Điều 141 (Tội hiếp dâm), Điều 143 (Tội cưỡng dâm), Điều 155 (Tội làm nhục người khác), Điều 156 (Tội vu khống) và Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).
2.Khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
3.Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
4.Bùi Ngọc Hòa (2018), “Thẩm quyền của Tòa án trong xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”,
5.Điều 299 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
6.Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
7.Công văn 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
8.Điều 45 và điểm a khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
9.Khoản 2 Điều 155 và Điều 299 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
10.Khoản 2 Điều 155 và Điều 359 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
11.Điểm a khoản 1 Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
12.Điều 279 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
13.Điều 44, Điều 45 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
14.Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
15.Nguyễn Ngọc Anh – Phan Trung Hoài (2018), “Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 26.
16.Khoản 2 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
17.Việc đề xuất mở rộng điều kiện để vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn ở giai đoạn xét xử phúc thẩm cũng phù hợp với hướng dẫn tại Công văn 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ths.PHAN THÀNH NHÂN ( TAND tỉnh Đồng Tháp)
Ths. ĐỖ THỊ NHUNG ( TAND Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương)
Nguồn tin: tapchitoaan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn