Tăng thời gian đào tạo thực hành, giám sát chặt học viên lái xe
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải tăng thời gian đào tạo thực hành và tăng cường giám sát học viên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX
Chưa giám sát được thời gian học thực hành
Ngày 9/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc về công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (GPLX).
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đã nhiều lần nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, rút ngắn thời gian đào tạo. Từ năm 1995 - 1998, thời gian đào tạo lái xe hạng B2 là 6 tháng, đến nay giảm xuống chỉ còn trên 3 tháng. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản hay Singapore, thời gian đào tạo hạng B2 chỉ 1 tháng. Thời gian học lý thuyết hạng B2 hiện là 168 giờ, trong khi hai nước trên chỉ 26 giờ. Thời gian đào tạo thực hành của một học viên là 84 giờ, các nước như Nhật Bản hay Singapore đào tạo 34 giờ.
“Tỷ lệ học viên thi đỗ hiện là 65%, trước đây khi chưa áp dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ này lên đến trên 90%”, bà Hiền cho biết.
"Cần học mô hình của Hàn Quốc về quản lý điều kiện kinh doanh đối với người muốn lái xe kinh doanh vận tải. Học viên sau khi có bằng muốn thi nâng hạng GPLX cần sát hạch phải được tập huấn tại các trung tâm sát hạch nâng cao này nhưng chỉ áp dụng đối với những lái xe có tính đặc thù kinh doanh vận tải. Cũng cần xem xét định kỳ sát hạch lại đối với lái xe chuyên nghiệp kinh doanh vận tải để đảm bảo an toàn cho hành khách”.
Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể
Ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, qua thanh, kiểm tra, phần sát hạch thực hành lái xe trong hình và trên đường trường được chấm điểm tự động, có hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo chưa chấp hành nghiêm thời gian, nội dung, chương trình đào tạo, có hiện tượng dạy lý thuyết qua loa, hình thức, dạy thực hành không theo chương trình đào tạo, không đảm bảo thời gian học thực hành theo quy định. Việc kiểm tra chính xác các vi phạm nêu trên gặp nhiều khó khăn do chưa ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi.
“Cần có quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô tập lái để giám sát thời gian, nội dung chương trình và số kilomet thực hành. Bên cạnh đó, cần quy định lắp hệ thống nhận diện vân tay phòng học chuyên môn và xe tập lái để quản lý thời gian giảng dạy của giáo viên và thời gian học thực hành của học viên”, ông Hà đề xuất.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, phải siết chặt chương trình đào tạo, quản lý chặt học viên, chấm dứt tình trạng “năm anh em trên một chiếc xe tăng”.
“Trong chương trình đào tạo lái xe phải bổ sung chương trình đào tạo về các tình huống và kỹ năng nhận diện tình huống, kể cả đối với giáo viên. Cần có trung tâm đào tạo, sát hạch đẳng cấp như Hàn Quốc cấp giấy chứng nhận trước khi giáo viên làm thầy dạy lái và cấp giấy chứng nhận cho lái xe kinh doanh vận tải”, ông Hùng đề xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các nước quy định như vậy là học viên của họ được “ôm vô lăng” trọn thời gian, một xe chỉ có một người. Tại Việt Nam quy định 34 giờ thực hành, nhưng thời gian ngồi trên xe nhiều hơn thời gian cầm vô lăng. Hiện, không biết học viên khi thực hành được cầm vô lăng bao nhiêu thời gian, vì mỗi xe có đến 4 - 5 người cùng học.
Theo Bộ trưởng, việc giám sát ý thức chấp hành luật giao thông của học viên cũng chưa được thực hiện. Ai cũng biết là phải chấp hành luật, nhưng ý thức chấp hành của lái xe còn yếu, trong khi việc kiểm tra giờ lái xe thực hành chưa có, có lái đủ 84 giờ không? Liệu một học viên sau khi học xong được cấp bằng có lái được tất cả các địa hình, khu đông dân cư?
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành. Theo Bộ trưởng, thực tiễn hiện có nhiều thay đổi, nhiều loại hình mới như đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt có khẩu độ lớn. Do vậy, phải bổ sung đầy đủ các loại hình trên vào chương trình đào tạo lý thuyết. Về nội dung đào tạo thực hành, Bộ trưởng cho rằng, hiện còn khá nhiều bến phà, kỹ năng lái xe lên, xuống phà cũng rất quan trọng, vì vậy cần rà soát bổ sung nội dung này vào chương trình đào tạo.
Trong quá trình thi lý thuyết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần có một số câu hỏi mang tính đặc thù, sát với thực tiễn là điều kiện tiên quyết về một số hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như: Vượt đường sắt, chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh vượt ẩu. Trong số 100 câu hỏi, có 10 câu hỏi mang tính đặc thù nếu trả lời sai cho trượt ngay.
Liên quan đến việc học, Bộ trưởng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ, để quản lý thời gian học thực hành trong sa hình và trên đường trường của từng học viên. Cần nghiên cứu chia lại thời gian đào tạo, khác với đi trong sa hình chỉ là tập dượt, học trên sa hình cũng rất cần thiết nhưng chỉ nên ở mức độ nhất định.
“Phải tăng thời gian đào tạo đường trường, đi trên nhiều địa hình, nhất là đi qua khu đông dân cư, trong thành phố đông người, đường đèo, dốc chỉ sơ sểnh là gây tai nạn ngay. Trong quá trình tập luyện thực hành cũng phải chấm điểm về ý thức chấp hành, lỗi vi phạm mỗi buổi, sau đó cộng lại để xem xét việc vi phạm của học viên thay vì chỉ nhắc nhở như hiện nay”, Bộ trưởng nói.
Trần Duy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn