Loading...

CV 16/1999/KHXX ngày 01/02//1999

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ, DÂN SỰ, KINH TẾ, LAO ĐỘNG, HÀNH CHÍNH VÀ TỐ TỤNG

Số kí hiệu CV 16-1999
Ngày ban hành 31/01/1999
Ngày bắt đầu hiệu lực 31/01/1999
Thể loại Ebook pháp luật
Lĩnh vực Pháp quy
Cơ quan ban hành Toà án tối cao
Người ký Khác

Nội dung

TOÀ ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 16/1999/KHXX Hà Nội, ngày 01 tháng 2 năm 1999
 
GIẢI ĐÁP
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 16/1999/KHXX NGÀY 1 THÁNG 2 NĂM 1999 VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ, DÂN SỰ, KINH TẾ, LAO ĐỘNG, HÀNH CHÍNH VÀ TỐ TỤNG
Trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 1998, nhiều Toà án Nhân dân và Toà án quân sự các cấp đã có công văn gửi đến Toà án nhân dân tối cao đề nghị được giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 1998.
Sau đây là giải đáp của Toà án nhân dân tối cao về các vấn đề đó; cụ thể là:
I. VỀ HÌNH SỰ
1. Ở miền núi, do tập quán lạc hậu, ít hiểu biết pháp luật các con nghiện đến nhà nhau hút thuốc phiện là chuyện bình thường; vì vậy, khi xử lý về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý có coi đó là tình tiết giảm nhẹ hay không?
Có coi việc "ở miền núi trình độ lạc hậu, ít hiểu biết Pháp luật" là tình tiết giảm nhẹ khi truy tố, xét xử đối với những trường hợp phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý hay không phải tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Đối với trường hợp người phạm tội đã được phổ biến, giáo dục về sự nguy hại của ma tuý, chủ trương chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma tuý... mà lại có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, thì không thể viện dẫn lý do "ở miền núi trình độ lạc hậu, ít hiểu biết pháp luật" coi đó là tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự để áp dụng đối với người phạm tội.
Đối với trường hợp kẻ phạm tội là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, chưa được phổ biến giáo dục về những chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc phòng, chống ma tuý, và do bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán lạc hậu ở địa phương nên đã có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, thì khi xét xử đối với những trường hợp này có thể cho họ hưởng tình tiết quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 38 Bộ Luật hình sự.
2. Đề nghị hướng dẫn cụ thể những vật nào thì được xác định là "dụng cụ", những vật nào là "phương tiện" dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý?
Vấn đề "thế nào là phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý" đã được hướng dẫn tại Tiết c Điểm 1 Mục II phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự"; tuy nhiên, để phân biệt sự khác nhau giữa phương tiện và dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn còn là vướng mắc, Toà án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để có sự giải thích chính thức; tạm thời cần hiểu "dụng cụ" là những vật được dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý; "phương tiện" là những vật được dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.
3. Đề nghị hướng dẫn cụ thể trường hợp nào thì áp dụng phạt tiền là hình phạt chính, trường hợp nào thì áp dụng phạt tù là hình phạt chính đối với các tội quy định tại Chương VIIA Bộ luật Hình sự?
Đối với người phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 185g, Khoản 1 Điều 185h, Khoản 1 Điều 185k và Khoản 1 Điều 185n Bộ luật Hình sự, Toà án có thể áp dụng hình phạt chính là phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn. Để xác định trường hợp nào thì áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, trường hợp nào thì áp dụng hình phạt tù, trước hết phải quán triệt các quy định tại Điều 23 và Điều 185o Bộ luật Hình sự. Chỉ nên áp dụng hình phạt tiền là phạt chính trong các trường hợp người phạm tội có nhân thân tốt, thật thà khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (nếu áp dụng hình phạt tù, thì cũng không quá ba năm); chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn...
4. Khái niệm "tổ chức" trong Điều 185i Bộ luật Hình sự có đồng nghĩa với khái niệm "tổ chức" quy định tại Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự? Đề nghị hướng dẫn cụ thể tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 185i) và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 185m)?
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và phạm tội có tổ chức là hoàn toàn khác nhau. Tổ chức sử dụng chất ma tuý có thể chỉ có một người thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại Điểm 2 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5-8-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an "Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương VIIA "Các tội phạm về ma tuý" của Bộ luật Hình sự". Còn phạm tội có tổ chức là phải có hai hoặc nhiều người cùng cố ý thực hiện một tội phạm và có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Về tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý" (Điều 185i) và tội "cưỡng bức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý" (Điều 185m) đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch nói trên. Tuy nhiên, để xét xử đúng tội danh, cần phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn trong Thông tư liên tịch nói trên đối chiếu với trường hợp cụ thể đó để có quyết định chính xác. Nếu trong thực tiễn xét xử mà xét thấy còn có những vướng mắc gì, thì đề nghị phản ảnh các vướng mắc cụ thể đó để Toà án nhân dân tối cao phối hợp cùng các ngành hữu quan hướng dẫn bổ sung.
5. Thế nào là "phạm tội nhiều lần" đối với tội chứa mại dâm?
Bị coi là phạm tội nhiều lần đối với tội chứa mại dâm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chứa mại dâm từ hai lần trở lên đối với một đôi mua bán dâm hoặc các đôi mua bán dâm khác nhau (không coi là phạm tội nhiều lần, nếu chứa một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục và trong khoảng thời gian đó đôi mua bán dâm đó mại dâm từ hai lần trở lên).
- Chứa một người bán dâm (hoặc một người mua dâm) và để cho người đó mại dâm với hai người trở lên có thể liền nhau hoặc trong các lần khác nhau.
- Chứa hai đôi mua bán dâm trở lên cùng một lúc.
6. Đối với một vụ án buôn lậu, buôn bán hàng cấm, bị cáo bị bắt quả tang cùng tang vật là thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng nhất định. Trong quá trình điều tra bị cáo khai trước đó đã có một hoặc nhiều lần buôn bán, vận chuyển trót lọt số lượng thuốc lá điếu mà mỗi lần buôn bán, vận chuyển với số lượng ít, chỉ cần xử lý hành chính hoặc với số lượng chỉ bị truy tố theo Khoản 1 Điều luật tương ứng; nếu cộng một hoặc tất cả những lần đó lại với lần bị bắt quả tang, thì số lượng thuốc lá điếu rất lớn (có thể trên 4500 bao). Vậy những lần buôn bán, vận chuyền thuốc lá điếu trót lọt đó có phải là tình tiết "phạm tội nhiều lần" không? Có cộng dồn số lượng hàng phạm pháp nhiều lần đó lại để tính số lượng vật phạm pháp hay chỉ xem những lần buôn bán trót lọt đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo?
Trước hết cần phải xem xét quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Nếu Viện kiểm sát chỉ truy tố lần phạm tội bị bắt quả tang mà không truy tố những hành vi phạm tội trước đó, thì Toà án chỉ xét xử lần phạm tội bị bắt quả tang. Trong trường hợp xét thấy bỏ lọt tội phạm thì trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát đã truy tố tất cả các hành vi phạm tội thì cần phân biệt như sau:
1. Đối với Điều 97 Bộ luật hình sự:
a) Nếu ngoài lần phạm tội bị bắt quả tang mà trong quá trình điều tra bị cáo khai trước đó có một hoặc nhiều lần buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và mỗi lần buôn lậu, vận chuyển với số lượng ít chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20-11-1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp "Hướng dẫn xử lý một số loại tội phạm") nhưng cũng chưa bị xử lý hành chính và vẫn còn thời hiệu xử lý hành chính theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì không áp dụng tình tiết định khung hình phạt "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 97 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng vật phạm pháp của các lần cộng lại.
b) Nếu ngoài lần phạm tội bị bắt quả tang mà trong quá trình điều tra bị cáo khai trước đó có một hoặc nhiều lần buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và có ít nhất là một lần có số lượng đã đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20-11-1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp "Hướng dẫn xử lý một số loại tội phạm") nhưng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt "Phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 97 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng vật phạm pháp của tất cả các lần cộng lại.
2. Đối với Điều 166 Bộ luật hình sự:
Cũng cách xác định tương tự như đối với Điều 97 trên đây, nếu thuộc trường hợp tương tự như ở Điểm a Mục 1 trên đây, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng hàng phạm pháp của tất cả các lần cộng lại. Nếu thuộc trường hợp tương tự như ở Điểm b Mục 1 trên đây, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng hàng phạm pháp của tất cả các lần cộng lại.
Cần chú ý là trong các trường hợp trên đây, người phạm tội không những thật thà khai báo ăn năn hối cải về hành vi phạm tội bị bắt quả tang mà còn tự thú khai báo những lần phạm tội khác; do đó, khi quyết định hình phạt phải coi tất cả những tình tiết đó là tình tiết giảm nhẹ.
7. Hướng dẫn việc vận dụng tình Tiết "phạm tội nhiều lần", "phạm tội đối với nhiều người" trong các trường hợp người phạm tội tự thú, thật thà khai báo về hành vi vi phạm trước đó của họ để đảm bảo sự công bằng trước pháp luật với các trường hợp che dấu tội phạm và phù hợp với nguyên tắc xử lý theo Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự?
Đối với trường hợp khi bắt được người phạm tội, họ không chỉ khai nhận thành khẩn về hành vi phạm tội đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện mà người phạm tội còn tự thú khai báo những hành vi phạm tội của họ trước đó, chưa bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, về nguyên tắc những hành vi phạm tội mà người phạm tội tự khai ra cũng phải bị xử lý; tuy nhiên, từ trước đến nay, khi xét xử đối với các trường hợp này Toà án các cấp mới chỉ áp dụng cho bị cáo một tình Tiết giảm nhẹ là " thật thà khai báo" mà không cho họ hưởng thêm tình Tiết giảm nhẹ "người phạm tội tự thú". Vì vậy từ nay trở đi, khi xét xử đối với những trường hợp này cần áp dụng hai tình Tiết giảm nhẹ cho bị cáo là "thật thà khai báo" và "tự thú"; trên cơ sở đó có thể xem xét và áp dụng Khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự đối với họ.
8. Trường hợp bị cáo có nhiều tình Tiết giảm nhẹ quy định tại cùng một Điểm thuộc Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự, thì có được coi là có nhiều tình Tiết giảm nhẹ hay không? Trường hợp bị cáo có nhiều tình Tiết tăng nặng quy định tại cùng một Điểm thuộc Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự, thì có được coi là có nhiều tình Tiết tăng nặng hay không?
Nghiên cứu các quy định tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự, cũng như thực tiễn xét xử của Toà án, thì chúng ta cũng phải coi trong trường hợp bị cáo có nhiều tình Tiết giảm nhẹ quy định tại cùng một Điểm thuộc Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự (như phạm tội mà chưa gây thiệt hại; phạm tội lần đầu...) là có nhiều tình Tiết giảm nhẹ để xem xét khi quyết định hình phạt và có thể áp dụng Khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự. Cũng tương tự như vậy, chúng ta cũng phải coi trong trường hợp bị cáo có nhiều tình Tiết tăng nặng quy định tại cùng một Điểm thuộc Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự (như phạm tội có tổ chức; xúi giục người chưa thành niên phạm tội) là có nhiều tình Tiết tăng nặng để xem xét khi quyết định hình phạt.
9. Cơ sở nào để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm một trong số các tội xâm phạm sở hữu của công dân và số tiền từ bao nhiêu để áp dụng Khoản 1, 2, 3 theo Điều luật tương ứng?
Việc áp dụng Khoản 1, Khoản 2 hoặc Khoản 3 của Điều luật tương ứng để xét xử đối với bị cáo về một trong các tội xâm phạm sở hữu của công dân, thì phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể. Đối với các tội chiếm đoạt tài sản của công dân, tội chiếm giữ trái phép tài sản của công dân, thì được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 1/1998/NQ-HĐTP ngày 21-9-1998 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Đối với các tội phạm khác xâm phạm sở hữu của công dân thì được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đối với vấn đề đặt ra "số tiền là bao nhiêu" phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xem xét một cách toàn diện cả về hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo và hậu quả do tội phạm gây ra. Ví dụ: Một người có hành vi trộm cắp tài sản của công dân, có giá trị 100 ngàn đồng, nhưng người thực hiện hành vi trộm cắp là tái phạm nguy hiểm hoặc là lưu manh chuyên nghiệp, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là cần thiết. Thế nhưng nếu người thực hiện hành vi trộm cắp có nhân thân tốt, phạm tội do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì có thể không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ mà chỉ cần xử lý bằng biện pháp hành chính.
10. Một số tội phạm không có yếu tố chiếm đoạt tài sản, nhưng Điều luật quy định thiệt hại tài sản là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt (Điều 139, Điều 140, Điều 175... Bộ luật hình sự); đề nghị có hướng dẫn cụ thể?
Khi xét xử người phạm một trong các tội không có yếu tố chiếm đoạt tài sản, nhưng Điều luật quy định thiệt hại tài sản là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt (Ví dụ: Điều 139, Điều 140, Điều 175... Bộ luật hình sự), thì cần phân biệt như sau:
a. Đối với các tội phạm quy định trong các Điều tương ứng của Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ tư theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 10-5-1997 (Ví dụ: Điều 175, Điều 221, Điều 221a...) thì khi chỉ có thiệt hại về tài sản việc xác định "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", được thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm e Khoản 1 Mục I Phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự"; cụ thể là:
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng là gây hậu quả nghiêm trọng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng là gây hậu quả rất nghiêm trọng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
(Xem Cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng; năm 1998; trang 42).
b. Đối với các tội phạm quy định trong các Điều tương ứng của Bộ luật hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung lần thứ tư (ví dụ: Điều 139, Điều 140... Bộ luật hình sự) thì theo Nghị quyết số 1/1998-NQ-HĐTP ngày 1-9-1998 (có hiệu lực kể từ ngày 21-9-1998) của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự" vẫn được thực hiện đúng những hướng dẫn trước đây của Toà án nhân dân tối cao hoặc các hướng dẫn liên tịch của Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan liên quan khác. Theo các văn bản hướng dẫn trước đây thì đối với "Tội phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải" (Điều 186) và "Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông vận tải không bảo đảm an toàn hoặc Điều động người không đủ Điều kiện Điều khiển các phương tiện giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 188) nếu chỉ có thiệt hại về tài sản việc xác định "gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản", "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" đã được hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng Điều 186, Điều 188 Bộ luật hình sự". Theo hướng dẫn tại Thông tư này thì:
- Gây thệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ trên 15 tấn gạo đến 45 tấn gạo là thuộc trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản hay gây hậu quả nghiêm trọng.
- Nếu gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương trên 45 tấn gạo là thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
(Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng; năm 1995; trang 95-96).
Đối với các tội phạm khác, ngoài các tội phạm trên đây, theo các văn bản hướng dẫn trước đây thì coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" nếu gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ năm tấn gạo đến mười lăm tấn gạo và coi là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" nếu gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương trên mười lăm tấn gạo. Để bảo đảm việc xét xử được thống nhất, từ nay ngoài các tội quy định trong các Điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự đã sửa đổi, bổ sung lần thứ tư, thì đối với các tội phạm khác nếu có gây thiệt hại về tài sản, việc xác định "gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản", "gây hậu quả nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" được thực hiện theo Hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 7-1-1995 nói trên; cụ thể là:
- Gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ trên 15 tấn gạo đến 45 tấn gạo là thuộc trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản hay gây hậu quả nghiêm trọng.
- Nếu gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương trên 45 tấn gạo là thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
11. Trường hợp người lợi dụng hợp đồng vay nợ là loại hợp đồng không thời hạn để dây dưa, kéo dài, không trả nợ, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm.... hay không?
Theo quy định tại Điều 474 Bộ luật hình sự, thì đối với hợp đồng vay không kỳ hạn, nếu bên cho vay muốn đòi lại tài sản phải báo trước cho bên vay trong một thời gian hợp lý để bên vay có thời gian chuẩn bị việc trả lại tài sản. Nếu hết thời hạn đã được thông báo mà người vay chưa trả được nợ vì họ đang trong tình trạng thực sự có khó khăn về kinh tế, không cố tình trốn tránh việc trả nợ và không có ý định chiếm đoạt tài sản của người cho vay, thì chỉ giải quyết về dân sự theo quy định của Bộ luật hình sự (nếu một trong các bên có yêu cầu).
Trường hợp người vay cố tình trốn tránh việc trả nợ, dây dưa kéo dài với ý định chiếm đoạt tài sản của người cho vay, thì đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.
12. Trường hợp cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả như đốt nương làm rẫy, đốt lửa sưởi ấm trong rừng... làm cháy rừng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì xét xử theo tội danh nào quy định trong Bộ luật hình sự là chính xác? (Điều 181, Điều 139, Điều 140 hay Điều 194).
Việc xác định người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều luật nào của Bộ luật hình sự phải tuỳ thuộc vào chủ thể thực hiện tội phạm và ý thức chủ quan của họ. Đối với trường hợp một người không được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng nhưng đã biết hoặc buộc phải biết việc đốt nương làm rẫy, đốt lửa sưởi ấm trong rừng... là vi phạm các quy định của Nhà nước về việc quản lý và bảo vệ rừng mà họ vẫn thực hiện, dẫn đến việc làm cháy rừng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng (Điều 181 Bộ luật hình sự). Đối với trường hợp một người không được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, do vô ý đã làm cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng, thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 140 Bộ luật hình sự). Đối với trường hợp một người được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, do thiếu trách nhiệm để cho người khác đốt nương làm rẫy, đốt lửa sưởi ấm trong rừng, dẫn đến việc cháy rừng, gây thiệt hại nghiêm trọng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 139 Bộ luật hình sự); nếu gây hậu quả nghêm trọng khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220 Bộ luật hình sự). Đối với trường hợp một người có trách nhiệm trong việc bảo quản, đặt để kho xăng trong rừng, nhưng vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy để cháy kho xăng và cháy rừng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (Điều 194 Bộ luật hình sự).
13. Đối với bị cáo là tái phạm nguy hiểm, cùng một lúc phạm hai tội, thì có áp dụng tình Tiết "tái phạm nguy hiểm" đối với cả hai tội không?
Đối với bị cáo là tái phạm nguy hiểm, cùng một lúc phạm hai tội, thì phải áp dụng tình Tiết "tái phạm nguy hiểm" đối với cả hai tội (nếu Điều luật quy định "tái phạm nguy hiểm" là tình Tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình Tiết định khung hình phạt, nếu Điều luật không quy định "tái phạm nguy hiểm" là tình Tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình Tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự).
14. Bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng, nếu có hành vi phá phách có bị xét xử thêm về tội huỷ hoại tài sản... hay không? Nếu xử hai tội thì áp dụng Khoản 1 hay Khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự?
Trường hợp nếu hành vi phá phách của bị cáo đã cấu thành tội huỷ hoại tài sản và bị truy tố, thì Toà án xét xử bị cáo về hai tội. Riêng về hành vi phá phách được quy định là tình Tiết định khung của tội gây rối trật tự công cộng, cho nên mặc dù xử bị cáo về tội huỷ hoại tài sản, nhưng vẫn phải áp dụng Khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
15. Trong vụ án có bốn người thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có một người bị truy tố về tội giết người, ba người còn lại bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng. Người bị truy tố tội giết người bỏ trốn; một người bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng chết, nay bắt được người bỏ trốn; vậy việc áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thực hiện như thế nào? áp dụng đối với vụ án hay áp dụng đối với từng người?
Việc tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là đồi với từng người thực hiện vi phạm tội cụ thể. Nếu chỉ có một người bỏ trốn, các cơ quan chức năng đã ra lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính đối với người bỏ trốn; thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó được tính lại từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ. Còn đối với các bị cáo khác không bỏ trốn và không có lệnh truy nã, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày thực hiện tội phạm. Trong trường hợp vì lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng đã không ra lệnh truy nã đối với người bỏ trốn, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bỏ trốn cũng được tính từ ngày thực hiện tội phạm (nếu họ không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 Khoản 1 Điều 45 Bộ luật hình sự).
16. Điều 33 Bộ luật hình sự chưa có quy định về việc xử lý vật chứng, đề nghị Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn về vấn đề này?
Vấn đề xử lý vật chứng đã được hướng dẫn cụ thể trong Mục I Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT ngày 24-10-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản kê biên trong quá trình Điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. (Vì trong Thông tư đã hướng dẫn rất cụ thể và chi Tiết, đề nghị các đồng chí xem các hướng dẫn trong Thông tư này).
17. Những trường hợp nào thì được coi là "Trường hợp đặc biệt" để được xoá án theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự?
Về vấn đề này đã được hướng dẫn tại Điểm b Mục 2 phần II Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 1-8-1986 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn "Về việc xoá án"; cụ thể là: "Trong trường hợp đặc biệt người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt (như: thường xuyên lao động nghiêm chỉnh, có năng suất cao...), đã lập công và được cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội đề nghị, thì Toà án có thể xoá án nếu người đó đảm bảo từ 1/3 đến 1/2 thời hạn xoá án nói trên (Điều 55 Bộ luật hình sự)" . (xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1990; trang 54).
18. Đề nghị hướng dẫn đường lối xét xử tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải (Điều 186 Bộ luật hình sự) vì thực tế có hai quan Điểm khác nhau là:
- Người vi phạm phải thực hiện tất cả các hành vi quy định tại Điểm a hoặc tại Điểm b hoặc tại Điểm c Khoản 1 mới coi là phạm tội.
- Người vi phạm chỉ cần thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điểm a hoặc Điểm b hoặc tại Điểm c Khoản 1 đã bị coi là phạm tội.
Quan Điểm thứ hai là đúng, vì vấn đề này đã được hướng dẫn tại Điểm 3 phần I Thông tư Liên ngành số 02/TTLN ngày 7-1-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng Điều 186, Điều 188 Bộ luật hình sự"; cụ thể là: "Người Điều khiển phương tiện giao thông vận tải vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không, thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 186 Bộ luật hình sự, phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 186 Bộ luật hình sự, nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản như sau:
a) Làm chết một hoặc hai người;
b) Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của một đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các nạn nhân từ 41% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ 5 tấn gạo đến 15 tấn gạo;
đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các nạn nhân từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ 5 tấn gạo đến 15 tấn gạo;
e) Gây thiệt hại về tài sản với giá trị trương đương từ trên 15 tấn gạo đến 45 tấn gạo. (Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng; năm 1995; trang 95).
Theo tinh thần hướng dẫn trên đây thì người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điểm a (đi quá tốc độ hoặc chở quá trọng tải quy định hoặc tránh vượt trái phép) mà gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp trên đây phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 186 Bộ luật hình sự.
19. Những mẫu vật đã gửi đến cơ quan giám định để giám định nhưng cơ quan này đã không trả, thì cơ quan nào có quyền tiêu huỷ và thủ tục tiêu huỷ như thế nào?
Trường hợp cơ quan giám định không hoàn trả lại mẫu vật gửi tới giám định thuộc loại phải tiêu huỷ, thì việc tiêu huỷ sẽ do cơ quan giám định thực hiện; về nguyên tắc việc tiêu huỷ này phải được ghi rõ trong biên bản giám định gửi cho cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giám định. Toà án nhân dân tối cao sẽ có công văn gửi tới Bộ Công an đề nghị hướng dẫn các cơ quan giám định về vấn đề này.
20. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Toà án đã ra quyết định thi hành án, nhưng cơ quan công an chưa bắt và cũng không có lệnh truy nã, đến nay đã hết thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, thì Toà án giải quyết như thế nào? Mặc nhiên cho người bị kết án được hưởng thời hiệu hay ra thông báo hết thời hiệu thi hành bản án?
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Toà án đã ra quyết định thi hành án, nhưng cơ quan Công an không bắt họ đi chấp hành án và cũng không có lệnh truy nã đối với họ, nếu đến nay đã hết thời hiệu thi hành án theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự và không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự, thì Toà án thông báo cho họ biết về việc họ được hưởng thời hiệu thi hành bản án hình sự. Vấn đề này đã được hướng dẫn tại Mục V Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 26-12-1986 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn việc áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự" (Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1990; trang 60).
21. Trường hợp một người có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, sau khi bị phát hiện, họ đã tự nguyện đem tài sản mà họ đã chiếm đoạt trả lại cho người có tài sản (đây là trường hợp trả lại tài sản, không phải là bồi thường), vậy khi xét xử, Toà án có áp dụng tình Tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội hay không? Trường hợp người phạm tội (hoặc gia đình của họ) tự nguyện thực hiện việc bồi thường cho người bị hại, nhưng vì thù tức mà người bị hại không nhận; do không hiểu biết pháp luật nên người phạm tội (hoặc gia đình của họ) đã không nộp số tiền bồi thường cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà đem về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường, thì người phạm tội có được hưởng tình Tiết "tự nguyện bồi thường thiệt hại" hay không?
Mặc dù Điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự không quy định cụ thể việc người phạm tội tự nguyện đem tài sản đã chiếm đoạt trả lại cho người có tài sản là tình Tiết giảm nhẹ, nhưng theo tinh thần quy định tại Điểm này, thì phải coi việc người phạm tội tự nguyện đem tài sản đã chiếm đoạt trả lại cho người có tài sản là trường hợp người phạm tội đã làm giảm bớt tác hại của tội phạm; do đó, nếu người phạm tội tự nguyện đem tài sản đã chiếm đoạt trả lại cho người có tài sản thì khi xét xử Toà án được áp dụng tình Tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự.
Nếu người phạm tội (hoặc gia đình họ) xuất trình được các chứng cứ chứng minh rằng họ đã "tự nguyện bồi thường thiệt hại" nhưng vì thù tức, người bị hại đã không nhận và do không hiểu biết pháp luật nên người phạm tội (hoặc gia đình của họ) đã không nộp số tiền bồi thường cho cơ quan tiến hành tố tụng mà họ đem về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường và họ sẵn sàng nộp ngay tại phiên toà, thì Toà án coi đây là tình Tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự và cho bị cáo được hưởng tình Tiết giảm nhẹ này. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội không biết gia đình họ đã bồi thường hay chưa, đã chuẩn bị tự nguyện thực hiện việc bồi thường thay cho họ hay chưa, mà gia đình đã bồi thường hay đã chuẩn bị tự nguyện thực hiện việc bồi thường thay cho họ và sẵn sàng nộp ngay tại phiên toà thì Toà án không coi đây là tình Tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự mà chỉ coi đây là tình Tiết giảm nhẹ khác quy định tại Khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự và phải ghi trong bản án.
22. Tình Tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 được áp dụng trong những trường hợp nào; nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 102 hoặc Khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự, thì tình Tiết này có đựoc áp dụng là tình Tiết giảm nhẹ nữa hay không? "Người khác" trong tình Tiết "bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra" quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự là người nào? Là chính người bị hại hay là người thứ 3?
Vấn đề này đã được hướng dẫn tại Điểm 3 Mục B phần II Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự"; cụ thể như sau: "Những tình Tiết là yếu tố định tội (thí dụ: giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự) hoặc định khung hình phạt (thí dụ: tình Tiết tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân quy định tại Khoản 3 Điều 101 hoặc Khoản 4 Điều 109 Bộ luật hình sự), thì không được coi là tình Tiết giảm nhẹ của chính tội đó nữa. (Xem cuốn Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng; năm 1990; trang 93).
" Người khác" trong tình Tiết "bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra" quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự được hiểu là người bị hại và trong một số trường hợp có thể là người thân thích của người bị hại.
23. Trường hợp bị cáo thật thà khai báo về những hành vi mà họ đã thực hiện như cáo trạng truy tố, nhưng cho rằng hành vi của mình là hợp pháp, không thừa nhận là đã phạm tội, thì họ có được hưởng tình Tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự hay không?
Theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự, thì được coi là tình Tiết giảm nhẹ nếu "người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và Điều tra trội phạm". Như vậy, đối với trường hợp người phạm tội thật thà khai báo về những hành vi mà họ đã thực hiện, nhưng do không hiểu biết pháp luật nên cho rằng hành vi của họ là hợp pháp, không thừa nhận là đã phạm tội, nhưng sau khi được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích giải thích, họ biết được tội lỗi và ăn năn hối cải, thì xét xử, Toà án cần cho họ được hưởng tình Tiết giảm nhẹ "thật thà khai báo, ăn năn hối cải" quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự.
Đối với những trường hợp tuy khai nhận đầy đủ những hành vi mà họ đã thực hiện nhưng quanh co không nhận tội và mặc dù đã được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích giải thích nhưng vẫn tỏ ra ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải, thì khi xét xử, Toà án không áp dụng tình Tiết "thật thà khai báo, ăn năn hối cải" đối với họ.
24. Tình Tiết tăng nặng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự "xúi giục người chưa thành niên phạm tội" có áp dụng đối với trường hợp người xúi giục cũng là người chưa thành niên hay không?
Điều 57 Bộ luật hình sự quy định: "Người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này". Trong Chương VII Phần chung Bộ luật hình sự "Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội" không có quy định nào loại trừ việc áp dụng các tình Tiết tăng nặng quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự nói chung và tình Tiết "xúi giục người chưa thành niên phạm tội" quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này nói riêng. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự chỉ quy định "xúi giục người chưa thành niên phạm tội: là tình Tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người thành niên; Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội, thì khi xét xử Toà án phải áp dụng tình Tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: "xúi giục người chưa thành niên phạm tội" quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự đối với họ.
25. Người phạm tội

 File đính kèm

Các văn bản cùng thể loại "Ebook pháp luật"

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây