Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ phải xử lý hình sự
Nếu doanh nghiệp, người sử dụng lao động vi phạm, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ phải khởi tố, xử lý hình sự chứ không phải xử lý dân sự như trước nữa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định tại phiên chất vấn sáng 01/11/2018.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về quyền khởi kiện của Tổ chức Công đoàn, người lao động khi bị xâm phạm về bảo hiểm xã hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã tổ chức hai kỳ họp bàn về vấn đề này.
Hiện nay, TAND Tối cao đang phối hợp với bảo hiểm Việt Nam hướng dẫn cho họ hiểu hệ thống tòa xử lý các vấn đề liên quan cũng như phối hợp với Tổng Công ty Bảo hiểm tổ chức hội thảo, tập huấn toàn ngành triển khai chủ trương mới của luật liên quan đến việc xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp trốn đóng BHXH.
Về nội dung, bắt đầu từ ngày 1.1.2018, hai hành vi gian lận bảo hiểm hoặc trốn đóng bảo hiểm bắt buộc đã được hình sự hóa, theo Chánh án, hành vi này đã được quy định tội phạm tại các điều 214 và 216 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, tòa án không được xử theo trình tự dân sự nữa.
Như vậy, quyền của người lao động được bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Ai xâm phạm ở điều này trở thành tội phạm.
Và các tổ chức công đoàn, người dân, người lao động phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm gian lận bảo hiểm, trốn bảo hiểm thì có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan điều tra, kiểm sát để khởi tố điều tra sau đó xét xử theo hình sự.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình khuyến khích nếu phát hiện doanh nghiệp nào gian lận trốn bảo hiểm thì báo cáo để xử lý.
Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) bày tỏ đồng thuận với việc nâng lên xử lý hình sự. Nhưng ĐB này cho rằng, việc xử lý khởi kiện trong thực tế khó vì hiện nay còn có sự vênh nhau giữa các luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý không chỉ Chánh án Nguyễn Hoà Bình mà các ngành khác cũng cần tập trung lưu ý để bảo vệ quyền của người lao động.
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn