Loading...

Quốc hội lần đầu họp trực tuyến

Thứ ba - 19/05/2020 04:55

(TBKTSG Online) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào sáng 20-5 tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến và Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức này.

Văn phòng Quốc hội kiểm tra trung tâm điều hành Quốc hội điện tử trước khi kỳ họp được khai mạc. Ảnh: Quốc hội

Tại buổi họp báo công bố về kỳ họp diễn ra vào chiều 18-5, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ được tiến hành theo hai đợt. Đợt thứ nhất họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành từ ngày 20 đến 29-5. Đợt thứ hai họp tập trung tại nhà Quốc hội, từ ngày 8 đến 18-6.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp tới, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và thông qua các dự án Luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).

Quốc hội cũng xem xét các dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức…

Bên cạnh đó, tại kỳ họp lần này Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong đó có nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Vân Ly

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây