Loading...

Thu ngay tiền gốc, lãi trong vụ án cho vay lãi nặng

Thứ năm - 12/08/2021 23:48
Hiện nay trong các vụ án cho vay nặng lãi, khoản tiền gốc vẫn được người cho vay, người đi vay chiếm giữ, sử dụng. Họ chỉ nộp lại khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tác giả cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng không thu ngay tiền gốc là không đúng quy định của pháp luật.

chovaynanglai

TAND thành phố Bắc Giang xét xử vụ án cho vay nặng lãi - Ảnh: Nguyễn Thị Việt Anh


Tại tiểu mục 1, mục I Thông báo kết quả giải đáp số 212/TANDTC-PC ngày 30/9/2019 của TANDTC xác định “Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước; Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này ”.

Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS thì vật chứng là “vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Như vậy, đối với khoản tiền gốc, tiền lãi mà người đi vay chưa đến hạn hoặc đến hạn nhưng chưa trả hoặc đã trả một phần cho bên cho vay được xác định là vật chứng của vụ án.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay khoản tiền này vẫn được người cho vay, người đi vay chiếm giữ, sử dụng. Họ chỉ nộp lại khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy là không phù hợp, thiếu công bằng, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thu thập và bảo quản vật chứng từ giai đoạn điều tra, là vi phạm quy định tại Điều 88, Điều 90 của BLTTHS.

Việc không thu ngay tiền gốc, lãi trong vụ án cho vay lãi nặng dẫn đến một số bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, tạo khoảng trống về thời gian “chiếm dụng vốn” từ người đi vay mà không bị tính lãi.

Ví dụ: Ngày 15/3/2021, A cho B vay 1.500.000.000đ, với thỏa thuận thời hạn vay 01 tháng, lãi xuất 150.000.000đ (chia thành hai đợt), trả nợ gốc vào ngày cuối cùng của thời hạn vay. Ngày 30/3/2021, B đã trả cho A được 75.000.000đ tiền lãi, chưa trả tiền nợ gốc. Đến ngày 10/4/2021 hành vi cho vay lãi nặng của A bị cơ quan điều tra phát hiện và ngăn chặn. Quá trình điều tra, truy tố cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định khoản tiền gốc 1.500.000.000đ  là phương tiện phạm tội cần phải sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại không áp dụng biện pháp thu thập vật chứng theo quy định của BLTTHS, mà chỉ đề nghị trong Cáo trạng “tổng số tiền gốc của B còn nợ A chưa trả là tiền liên quan đến việc phạm tội cần tịch thu sung quỹ Nhà nước”. Như vậy, khoảng thời gian từ ngày 10/4/2021 đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành thì B “nghiễm nhiên” được sử dụng số tiền này một cách hợp pháp mà không hề bị tính lãi.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 123 BLDS thì đây là giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật, nên giao dịch này vô hiệu. Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 137 của BLDS thì  “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…”. Nhưng từ khi người cho vay bị khởi tố bị can thì lại không áp dụng quy định này mà các bên vẫn giữ, sử dụng là chưa đúng quy định.

Ví dụ: Như trường hợp nêu trên, sau khi A bị khởi tố bị can cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành thì A vẫn giữ, sử dụng 75.000.000đ; B vẫn giữ, sử dụng 1.500.000.000đ. Việc chứng minh khoản tiền này có phát sinh lợi nhuận hay không sẽ không thực hiện được.

Để bảm đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng hình sự thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định rõ (1) số tiền gốc; (2) khoản thu lợi bất chính là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS (gọi tắt là tiền lãi vượt 20%) và (3) khoản thu lợi bất chính là tiền lãi tương ứng với mức lãi xuất 20%/năm (gọi tắt là lãi trong hạn 20%), để có hướng xử lý vật chứng như sau:

- Căn cứ vào khoản 3 Điều 106 BLTTHS trả lại cho người vay khoản tiền vượt lãi 20%;

- Căn cứ vào các điều 88, 90 của BLTTHS thu giữ khoản tiền gốc và tiền lãi trong hạn 20%.

Việc thu thập và xử lý vật chứng nêu trên không chỉ bảo đảm đúng quy định, công bằng mà còn bảm đảm hiệu quả công tác thi hành án sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

SONG MAI (Vụ Pháp chế và QLKH, TANDTC)

Nguồn tin: tapchitoaan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây