Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội
Tọa đàm với sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), tổ chức NGO Fontana và Trung tâm CNTT – Truyền thông Vietnet ICT với nội dung bàn về các rủi ro của trẻ em khi tham gia môi trường mạng cũng như các phương pháp hướng dẫn, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em có thể bị bắt nạt, bị xâm hại trên mạng, các nội dung thông tin không phù hợp với các em…
Chia sẻ về các rủi ro của trẻ em khi tham gia môi trường mạng, các chuyên gia đã thảo luận những vấn đề trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt khi bắt đầu sử dụng các phương tiện công nghệ số từ rất sớm, thậm chí từ tuổi mầm non, và phải đối mặt với nhất nhiều rủi ro ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần: từ việc tiếp cận những trang mạng khiêu dâm, hoặc có thông tin sai lệch, bị mất thông tin cá nhân, bị virus xâm nhập, nghiện game, nghiện facebook, ảnh hưởng mắt và sức khoẻ tới những rủi ro mạnh hơn về xâm hại tình dục trẻ em, khiêu dâm, buôn bán, bắt cóc trẻ em hay bắt nạt trên mạng.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm. |
Cùng với đó, nick (tên khi tham gia mạng xã hội) ảo là một vấn nạn. Ngoài ra truyền thông cũng đang góp phần cổ xuý và thổi bùng lên các vấn đề, đôi khi sử dụng các thông tin xâm hại trẻ em để câu ‘like” câu “view”, chạy theo lợi nhuận rất nghiêm trọng. Do đó, cần đẩy mạnh vấn đề truyền thông đạo đức cho đội ngũ nhà báo và truyền thông.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng cho rằng, bản thân các bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng chưa có kiến thức và có định hướng đúng để có thể bảo vệ các con được an toàn trên môi trường mạng. Ông Ngô Việt Khôi - chuyên gia IT chia sẻ về các rủi ro về công nghệ và kỹ thuật bảo vệ con khỏi môi trường mạng, nhấn mạnh: “Nếu xét về mặt kỹ năng sống thì người lớn có nhiều kỹ năng tồn tại hơn trẻ em. Nhưng, nhìn lại kỹ năng bảo vệ mình trong cuộc sống số thì có thể nói là rất yếu. Hay còn gọi là “vô minh”, không rõ phương hướng và cách thức. Bên cạnh đó, do những thiếu hụt về mặt quy định quản lý, thế hệ chúng ta không được chuẩn bị tốt về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng”, chưa nói đến việc đảm bảo an toàn cho các con.
Bà Lê Thanh Thủy – Giám đốc Ô Xinh cũng cho biết thêm về câu chuyện khi nghe chia sẻ của các em bé tham gia vào các chương trình của Ô Xinh, rằng mẹ các em thường bận lắm vì phải truy cập facebook để tìm các thông tin lớp học tốt cho em. Và đây là hình thức bố mẹ nhân danh làm những điều tốt cho con để bao biện cho việc dùng internet quá nhiều mà không dành thời gian cho con, vô hình chung sẽ làm trẻ em nghĩ rằng việc dành “quá nhiều” thời gian cho internet là tốt.
Ngoài ra, tình trạng dùng internet như những người máy trông con là các hành vi rất phổ biến. Phụ huynh cần ý thức rằng việc kiểm soát công nghệ cho con sử dụng là “rất khó”, vì vậy, cần dành thời gian để trao đổi với con, hướng dẫn con sử dụng các công nghệ kỹ thuật số an toàn. Việc xây dựng niềm tin giữa bố mẹ và con cái là điều vô cùng quan trọng. Niềm tin mà bố mẹ và con cái trao cho nhau sẽ mạnh hơn cả. Bố mẹ có lắng nghe con ở mức độ nào để con có thể chia sẻ với bố mẹ những thông tin mà con đọc được trên mạng”.
Bên cạnh đó, “để bảo vệ con an toàn trên mạng, chúng ta cần hiểu rõ các con đang nói ngôn ngữ gì, văn hóa của thế hệ các con”
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Ông Ysrael C. Diloy, chuyên gia từ Stairway Foundation là người đã thực hiện thành công vận động chính sách để Bộ Giáo dục Phillipine đồng ý đưa chương trình giảng dạy về “An toàn mạng” vào trong các trường học ở Phillipine cho biết: “Khi chúng tôi tìm hiểu, các trường học ở Phillipine không có bất cứ nội dung nào về chủ đề đó. Sau đó chúng tôi đã dành thời gian để thuyết phục Bộ Giáo dục ở Phillipine và cùng với các thầy cô giáo cũng như Bộ giáo dục, chúng tôi đã xây dựng được cuốn cẩm nang về An toàn mạng cho trẻ em.
Chuyên gia nước ngoài này khuyến nghị, khi mà chúng ta giảng dạy về An toàn trên mạng ở Việt Nam, khi hỏi về các vấn đề như bị xâm hại trên mạng, bị bắt nạt qua mạng … thì cần sự tham gia của chính trẻ em và có cơ chế nhận phản hồi và xử lý các vấn đề của các em. Nếu không có khung chuẩn thì mỗi nơi sẽ có một cách xử lý khác nhau, không nhất quán”.
Như vậy giải pháp bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng được các chuyên gia tham dự tọa đàm cho rằng không nằm trong tay một ai mà là kết quả của sự chung tay của nhiều bên liên quan. Bà Nguyễn Phương Linh, giám đốc MSD chia sẻ: “Mỗi ngày qua đi, khi trẻ em tiếp cận với “Internet vạn vật”, chính các em – những người có quyền và những người hỗ trợ thực hiện quyền cho các em, chúng ta - người lớn, cha mẹ và người chăm sóc trẻ, những nhà giáo dục, cộng đồng, truyền thông, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội sẽ cần nâng cao nhận thức được những rủi ro của môi trường mạng và biết cách hỗ trợ các em trở thành những “Công dân số” thông minh, biết lựa chọn.
Nhị Xuân
Nguồn tin: toquoc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn