Bao nhiêu tuổi thì được đứng tên Sổ đỏ?
Căn cứ:
- Luật Đất đai 2013;
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.
Pháp luật không quy định về độ tuổi đứng tên Sổ đỏ
Theo khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, người quyền sử dụng đất được quy định tại điều 5 Luật Đất đai 2013 gồm: Hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước…Tuy nhiên, khi nhắc đến độ tuổi thì người sử dụng đất sẽ là cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT khi ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ theo quy định sau:
Với cá nhân trong nước thì ghi: "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi "CMND số:..."; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi "CMQĐ số:…"; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân thì ghi "Giấy khai sinh số….";
Như vậy, pháp luật đất đai không phân biệt hay quy định độ tuổi đứng tên Sổ đỏ mà quy định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất thì được cấp Sổ đỏ.
Bao nhiêu tuổi thì được đứng tên Sổ đỏ (Ảnh minh họa)
Quyền đứng tên Sổ đỏ bị hạn chế bởi Bộ luật Dân sự?
Hiện nay, một người có quyền sử dụng đất khi được Nhà nước công nhận do khai hoang, sử dụng lâu dài…hoặc phổ biến hơn là bằng hình thức chuyển quyền sử dụng đất như: Chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…
Theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Theo đó, người thừa kế mà di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì chỉ cần:
+ Còn sống vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết);
+ Hoặc sinh ra sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Dù là người mới sinh hoặc chưa sinh nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết thì vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định 04 mốc độ tuổi mà theo đó có những điều kiện tham gia giao dịch, nhất là giao dịch về bất động sản là khác nhau:
1. Chưa đủ 06 tuổi thì giao dịch sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện (thay mặt).
2. Từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
3. Từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký (phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý).
4. Từ đủ 18 tuổi trở lên thì cá nhân tự mình xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm.
Kết luận:
- Pháp luật đất đai không quy định về độ tuổi đứng tên Sổ đỏ mà chỉ cần người đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là được cấp và đứng tên Sổ đỏ.
- Ngoài ra, pháp luật dân sự quy định năng lực hành vi dân sự theo độ tuổi. Với người dưới 18 tuổi không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản mà phải có sự đồng ý của của người đại diện (người chưa thành niên mà có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở…thông qua nhận thừa kế, nhận tặng cho nếu người đại diện đồng ý thì vẫn được đứng tên ngay thời điểm nhận thừa kế, tặng cho - dù chưa đủ 18 tuổi).
Khắc Niệm
Nguồn tin: LuatVietNam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn