Loading...

Thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng – Đôi điều kiến nghị

Thứ tư - 25/12/2019 03:11
TƯỞNG DUY LƯỢNG - Nguyên Phó Chánh án TANDTC
Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, lao động đều không quy định về thời hiệu khởi kiện, chỉ khi BLTTDS năm 2004 được ban hành mới quy định rất chung và quy định viện dẫn trong 2 Điều (Điều 159, Điều 160) về áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó, trong thực tiễn vấn đề áp dụng thời hiệu có có những cách hiểu khác nhau.
thoihieukhoikien
 

1. Vấn đề thời hiệu, thời hiệu khởi kiện trong thực tiễn

Trong khi đó từ trước đến nay thời hiệu khởi kiện các vụ việc dân sự (theo nghĩa hẹp), kinh doanh thương mại, lao động đều được quy định trong pháp luật nội dung; có văn bản luật nội dung quy định nhiều thời hiệu khởi kiện khác nhau tương ứng với mỗi quan hệ pháp luật như Bộ luật Hàng hải.

Trong giáo trình luật dân sự, luật tố tụng dân sự của khoa luật của trường đại học đều đề cập đến vấn đề thời hiệu, thời hiệu khởi kiện. Ví dụ tại mục III chương V giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam của Trường đại học luật Hà Nội ấn hành năm 2017 cũng đề cập đến thời hiệu khởi kiện, tại Giáo trình Luật dân sự Việt Nam của trường này cũng đề cập đến vấn đề thời hạn, thời hiệu và thời hiệu khởi kiện.

Trong thực tiễn xét xử cũng có quan điểm khác nhau, có tòa án coi vấn đề thời hiệu khởi kiện là thuộc phạm trù tố tụng, nếu là phán quyết trọng tài trong nước thì tòa án hủy phán quyết khi Hội đồng xét đơn cho rằng Hội đồng trọng tài áp dụng sai về thời hiệu hoặc không công nhận và cho thi hành, nếu là phán quyết trọng tài nước ngoài với căn cứ là trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Ví dụ trong vụ tranh chấp giữa bà Lê Hoàng Hoa Thơm với Công ty Cổ phần tập đoàn Phát triển có nội dung “Bà Lê Hoàng Hoa Thơm yêu cầu tuyên bố vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 11/01/2011 (viết tắt là “Hợp đồng 2011”) giữa bên bán cổ phần là bà Thơm (nguyên đơn) và bên mua cổ phần là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát Triển (bị đơn).” Tại phán quyết trọng tài số 42/16 HCM ngày 3 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng trọng tài thuộc trung tâm trọng tài CTHG đã quyết định: “Bác toàn bộ yêu cầu tuyên Hợp đồng 2011 vô hiệu của bà Lê Hoàng Hoa Thơm”. Sau khi có phán quyết trọng tài bà Thơm yêu cầu Tòa án thành phố HCM hủy phán quyết số 42/16 HCM ngày 3 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng trọng tài thuộc trung tâm trọng tài CTHG với lý do: “1.1.Hội đồng trọng tài vận dụng sai quy định về thời hiệu yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được….Hội đồng trọng tài đã bác bỏ quyền khởi kiện hợp pháp của bà Thơm”.

Tại tại Quyết định số 1357/2017/Q Đ-PQTT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của TAND Tp HCM, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu của đương sự với nhận định: “Việc áp dụng thời hiệu của Hội đồng trọng tài được nêu ở Mục 1.3 trang 35 của Phán quyết trọng tài không phù hợp với nguyên tắc áp dụng thời hiệu của BLDS: Hội đồng trọng tài áp dụng Điều 132 của BLDS 2015 để khẳng định thời hiệu là 02 năm là không chính xác. Hợp đồng 2011 có đối tượng không thể thực hiện được theo Điều 411 của BLDS (cụ thể là bà Thơm không sở hữu cổ phần tai TNS nhưng lại bán cổ phần của TNS cho TNG và tại thời điểm bán TNS chỉ có 70.000 cổ phần, trong khi đối tượng mua bán của Hợp đồng 2011 là 520.800 cổ phần). Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Điều 411 của BLDS 2005 thì sẽ không áp dụng thời hiệu. Các trường hợp áp dụng thời hiệu 02 năm để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu tại Điều 136 của BLDS 2005 không bao gồm Điều 411 của BLDS 2005. Trong tố tụng, thời hiệu khởi kiện là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Hội đồng trọng tài áp dụng thời hiệu khởi kiện 02 năm trong vụ án là xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. “… Hội đồng trọng tài lại áp dụng Điều 136 của Bộ luật dân sự 2005 để kết luận “Yêu cầu này đã hết thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày xác lập giao dịch, nên Hội đồng trọng tài không nên xem xét yêu cầu này” là xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, cụ thể ở đây là quyền tố tụng của bà Thảo được quy định tại Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005”.

Tác giả cho rằng việc TAND Tp HCM coi thời hiệu khởi kiện thuộc phạm vi “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là nhận thức sai lầm, từ đó hủy phán quyết trọng tài không đúng.

Tuy nhiên, cũng có Tòa án, Viện kiểm sát coi vấn đề thời hiệu khởi kiện là thuộc phạm trù luật nội dung. Ví dụ tại quyết định số 01/2018/Q Đ-PQTT ngày 04-1-2018 của Tòa án nhân dân TPHN giải quyết vụ tranh chấp giữa Công ty SYAP và bị đơn Công ty KEFG.Ltd, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đã cho rằng: “Về thời hiệu khởi kiện mà bên yêu cầu nêu ra đã được H ĐTT xem xét và thuộc về nội dung vụ án nên phiên họp hôm nay không xem xét…Phán quyết trọng tài không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại…”. Trong khi đó Công ty KEFG.Ltd cho rằng HĐTT đã xác định thời hiệu khởi kiện không phù hợp với Điều 33 Luật TTTTM, để làm căn cứ hủy Phán quyết trọng tài.

Đối với yêu cầu này, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố HN đã nhận định: “ Thời hiệu khởi kiện không phải là một trong các căn cứ hủy Phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM”. (Vì lý do tế nhị tên đương sự đã được thay đổi-TG).

***
Tại Quyết định số 11/2018/Q Đ-PQTT ngày 12 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố HN về việc không hủy phán quyết trọng tài cũng đã nhận định về vấn đề thời hiệu khởi kiện không thuộc quan hệ tố tụng mà thuộc luật nội dung với lập luận: “[8] thời hiệu khởi kiện …thuộc phần nội dung vụ tranh chấp. Thời hiệu khởi kiện cũng không phải là một trong các nguyên tắc cơ bản được quy định trong pháp luật Việt Nam. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của bên yêu cầu không thuộc các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại.”

Trong nhiều vụ bên yêu cầu không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài hoặc yêu hủy phán quyết trọng tài trong nước với lý do Hội đồng trọng tài đã quyết định sai về thời hiệu khởi kiện. Việc Hội đồng trọng tài cho rằng hết thời hiệu khởi kiện để bác yêu cầu làm mất quyền tố tụng của đương sự, vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật việt nam thì TAND thành phố HN đã cho rằng thời hiệu khởi kiện thuộc luật nội dung điều chỉnh, không phải vi phạm về tố tụng, không thuộc quan hệ tố tụng. Khi xét xử Tòa án căn cứ khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại để không chấp nhận yêu cầu của đương sự với nhận định Tòa án không giải quyết lại nội dung tranh chấp, từ đó không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết hoặc áp dụng khoản 4 Điều 458 BLTTDS năm 2015 bác yêu cầu của đương sự về việc không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài về lý do này.

Có thể nhận thấy nếu chỉ có một hình thức tài phán là tài phán công thì vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện là thuộc phạm trù luật tố tụng hay luật nội dung chỉ có ý nghĩa về lý luận, không có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Bởi lẽ trong tố tụng dân sự việc áp dụng sai về thời hiệu trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích các bên, khi có kháng cáo, kháng nghị Tòa án đều phải áp dụng pháp luật nội dung quy định về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện để giải quyết lại theo hướng sửa hay hủy bản án, quyết định của tòa án theo tố tụng dân sự, còn nếu Hội đồng xét xử đã áp dụng đúng thì không chấp nhận yêu cầu. Tuy nhiên, khi khi đất nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới thì việc công nhận và cho thành phán quyết trọng tài nước ngoài, tạo môi trường hoạt động cho tài phán tư phát triển, đa dạng hóa hình thức giải quyết tranh chấp, sớm kết thúc việc tranh chấp góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì vấn đề thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự thuộc pháp luật tố tụng hay thuộc luật nội dung là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Nếu xác định thời hiệu khởi kiện là luật tố tụng hay luật nội dung sẽ dẫn đến những hậu quả khác nhau trong hoạt động tài phán.

Ví dụ khi xác định thời hiệu khởi kiện là quan hệ tố tụng, thì việc Hội đồng trọng tài xác định sai thời hiệu khởi kiện sẽ là cơ sở để tòa án hủy phán quyết trọng tài, hoặc không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Ngược lại nếu coi thời hiệu khởi kiện thuộc luật nội dung điều chỉnh thì những sai lầm đó, nếu một bên nêu ra làm căn cứ cho việc không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 458 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để bác yêu cầu đương sự, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Đối với phán quyết trọng tài trong nước thì các tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại không hủy phán quyết trọng tài mà bác yêu cầu của đương sự.

Như vậy, việc xác định thời hiệu khởi kiện thuộc luật tố tụng hay luật nội dung dẫn đến hủy hay không hủy phán quyết trọng tài, công nhận hay không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích các bên mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nền tư pháp (bởi Tòa án nước ngoài, ví dụ như Cộng hòa Pháp không hủy phán quyết hoặc không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài vì lý do này), ảnh hưởng đến sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án mà hiện nay chủ trương của Đảng, Chính phủ đang nỗ lực phát triển, nên việc nghiên cứu xác định thời hiệu khởi kiện thuộc luật nội dung hay luật hình thức vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

2. Xác định thời hiệu khởi kiện là thuộc quan hệ pháp luật tố tụng hay pháp luật nội dung?

Thực tiễn nêu trên cho thấy đang có nhận thức, quan điểm khác nhau về vấn đề thời hiệu khởi kiện, những người chuyên nghiên cứu về lý luận khi xây dựng giáo trình hình như cũng có sự không rõ ràng trong việc xây dựng nội dung của giáo trình, nên trong giáo trình của trường đại học dùng cho sinh viên khoa luật, cả hai bộ môn: Luật tố tụng dân sự Việt Nam, luật dân sự Việt Nam đều có phần đề cập đến thời hiệu. Trong các giáo trình này không làm rõ vì sao phải coi thời hiệu, thời hiệu khởi kiện là một cấu phần của giáo trình luật tố tụng dân sự?

Phải chăng các tác giả của giáo trình vì thấy trong cả hai Bộ luật, Bộ luật dân sự có quy định về thời hiệu, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định viện dẫn tại Điều 184 về thời hiệu khởi kiện nên đưa thời hiệu vào giáo trình chứ không hẳn có một lý thuyết rõ ràng (?), nếu đúng như vậy thì đó là sự thiếu rõ ràng về mặt khoa học. Thiết nghĩ đối với một giáo trình giảng dạy là một công trình có tính khoa học thì chỉ những vấn đề nào thuộc phạm vi của bộ môn thì mới đề cập với tư cách là một cấu phần (lớn hoặc nhỏ tùy thuộc nội dung mà nó đề cập) trong giáo trình, còn nếu chỉ là vấn đề “liên quan” thì sẽ không đề cập với tư cách một mục trong giáo trình dù lớn hay nhỏ.

Tác giả trao đổi băn khoăn này với một số người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy nhận thấy ý kiến cũng khác nhau, có ý kiến cho rằng thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện nói riêng đều thuộc luật nội dung. Ngược lại có ý kiến cho rằng vấn đề thời hạn, thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự thuộc pháp luật nội dung, còn vấn đề thời hiệu khởi kiện thuộc quan hệ tố tụng. Sự khác nhau xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề thời hiệu khác nhau, có thể khái quát các quan điểm này như sau:

Quan điểm thứ nhất, những người tiếp cận đưới góc nhìn hậu quả của việc khởi kiện thì cho rằng thời hiệu khởi kiện thuộc phạm vi của tố tụng, đã đưa ra hai cơ sở:

-Về mặt lý luận Thời hiệu khởi kiện là mối quan hệ giữa người nộp đơn khởi kiện và tòa án có thẩm quyền, đây là một quan hệ tố tụng nên khi hết thời hiệu khởi kiện thì người khởi kiện mất quyền khởi kiện, nếu đã thụ lý thì tòa án sẽ đình chỉ giải quyết, không xem xét nội dung tranh chấp dẫn đến chấm dứt quan hệ tố tụng.

-Về cơ sở pháp lý, trong BLTTDS có quy định về thời hiệu khởi kiện, khi hết thời hiệu khởi kiện thì người khởi kiện mất quyền khởi kiện đó là căn cứ cho việc tòa án trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ giải quyết vụ án khi hết thời hiệu khởi kiện. Những quy định về thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật tố tụng là cơ sở pháp lý cho việc xác định thời hiệu khởi kiện là quan hệ tố tụng, thuộc luật tố tụng điều chỉnh.

Tại Hội thảo về án lệ ngày 09 tháng 12 năm 2019 tại do TANDTC tổ chức tại Hà Nội, ban tổ chức có đưa ra dự thảo án lệ số 16 có nguồn từ Quyết định số 11/2018/Q Đ-PQTT ngày 12-10-2019 của TAND Tp HN, với nội dung: “Hội đồng xét đơn nhận thấy nội dung về thời hiệu khởi kiện của vụ tranh chấp đã được Hội đồng trọng tài nhận định trong phần nội dung của Phán quyết và thuộc phần nội dung vụ tranh chấp. Thời hiệu khởi kiện cũng không phải là một trong các nguyên tắc cơ bản được quy định trong pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, khi xem xét đến thời hiệu trong vụ án này Hội đồng xét đơn sẽ phải xem xét lại toàn bộ quá trình ký kết, giao dịch, thực hiện hợp đồng, thời điểm phát sinh tranh chấp có nghĩa là Hội đồng xét đơn phải xem xét lại toàn bộ nội dung vụ kiện, điều này trái với quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại Tòa án không xét xử lại nội dung khi xét thời hiệu trong vụ kiện này. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của bên yêu cầu không thuộc các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại”.

Ths. Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã phát biểu tại hội thảo với quan điểm thời hiệu khởi kiện thuộc quan hệ tố tụng dân sự và nhấn mạnh: “Nội dung dự kiến của án lệ có đánh giá ‘thời hiệu khởi kiện cũng không phải là một trong các nguyên tắc cơ bản được quy định trong pháp luật Việt Nam’ là không phù hợp vì thời hiệu là thời hạn luật định chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp (khoản 3 Điều 155 BLDS năm 2005, khoản 2 Điều 150 BLDS năm 2015). Như vậy, thời hiệu khởi kiện liên quan đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng không phải thuộc nguyên tắc cơ bản được quy định trong pháp luật Việt Nam. Tương tự như vậy, nhận định về việc ‘ Hội đồng xét đơn nhận thấy nội dung về thời hiệu khởi kiện của vụ tranh chấp đã được Hội đồng trọng tài nhận định trong phần nội dung của phán quyết và thuộc phần nội dung vụ tranh chấp’ là không phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu”.

Tác giả nhận thấy ý kiến nói trên của Ths. Nguyễn Hồng Hải có ba vấn đề không ổn. Vấn đề thứ nhất là tự mâu thuẫn trong lập luận, cụ thể: trong khi Hội đồng xét đơn của tòa án nhận định rất đúng là thời hiệu khởi kiện không phải là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì thạc sỹ Hải lại cho rằng nhận định đó “là không phù hợp”, song ở đoạn dưới lại viết “thời hiệu khởi kiện…không phải thuộc nguyên tắc cơ bản”. Vấn đề thứ hai khi Ths. Hải cho rằng, “thời hiệu khởi kiện liên quan đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng” mà không chỉ rõ “liên quan” thế nào (?). Tác giả cho rằng đây là nhận thức chưa chính xác, vì nó không “liên quan” đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng, trừ khi diễn giải từ “ liên quan” một cách nôm na theo cách nói dân dã, không theo một chuẩn mực pháp lý nào, gọi là liên quan xa chăng. Bởi lẽ “thời hiệu khởi kiện” chỉ liên quan trực tiếp đến quyền của đương sự (nếu còn thời hiệu thì đương sự có nhiều lựa chọn phương thức bảo vệ lợi ích của mình, mà khởi kiện chỉ là một phương thức. Khi còn thời hiệu, hay hết thời hiệu mà họ không chọn phương thức bảo vệ là khởi kiện thì có liên quan đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng không?) sẽ được tác giả làm rõ trong luận điểm của mình.

Ba là, dù Ths Nguyễn Hồng Hải cho rằng thời hiệu khởi kiện thuộc về tố tụng nhưng không chỉ ra được cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý cho quan điểm của mình mà chỉ khẳng định “không phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu”. Vậy, bản chất pháp lý của thời hiệu là gì không thấy chỉ ra(?) Phải chăng vì cho rằng thời hiệu khởi kiện “liên quan đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng” mà nó thuộc về tố tụng(?) Nếu như vậy thì mọi quyền dân sự đều thuộc quan hệ tố tụng, vì khi quyền này bị xâm phạm cũng có thể “liên quan đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng”, khi chủ thể thực hiện quyền khởi kiên.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả tiếp cận thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu nói riêng dưới góc độ quyền dân sự bao gồm quyền bảo vệ lợi ích của mình khi bị xâm phạm và quyền, nghĩa vụ các bên trong quan hệ dân sự, từ quan hệ pháp luật dân sự này mới xác định thời điểm tính thời hiệu khởi kiện. Do đó, phải xác định thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung, do luật nội dung điều chỉnh. Khi thời hạn của thời hiệu kết thúc là xuất hiện một sự kiện pháp lý, cơ sở phát sinh quan hệ dân sự (một bên mất quyền dân sự, một bên sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này, nếu muốn) chứ không phát sinh quan hệ tố tụng, không hình thành quan hệ giữa tòa án có thẩm quyền với các bên liên quan, với Viện kiểm sát, do đó không xuất hiện trình tự hay thủ tục tố tụng dân sự khi có sự kiện kết thúc thời hiệu.

-Về cơ sở lý luận:

+ Một là, quan hệ pháp luật là một dạng quan hệ xã hội, nếu là quan hệ xã hội sẽ bị điều chỉnh bởi đạo đức, tục lệ, tập quán hay tín ngưỡng…, tuy nhiên, một quan hệ xã hội đã được pháp luật hóa do pháp luật điều chỉnh thì quan hệ đó mang trong mình tính pháp lý. Do đó, quan hệ pháp luật chính là hình thức pháp lý của quan hệ xã hội. Dưới góc độ quyền nói chung của chủ thể trong quan hệ dân sự thì quyền bảo vệ quyền dân sự của mình, sử dụng phương thức bảo vệ nào để bảo vệ quyền dân sự (tự bảo vệ hay yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nào bảo vệ, nếu yêu cầu tòa án thì đó là việc khởi kiện) trước tiên nó là một quyền dân sự (quyền tự do lựa chọn, quyền định đoạt) được quy định trong hiến pháp (trong các quy định về quyền con người, quyền công dân), trong Bộ luật dân sự và nhiều văn bản pháp luật khác và sau đó trên cơ sở của quyền dân sự mới có thể làm phát sinh quan hệ tố tụng nhằm thực hiện quyền tài phán, quyền lực nhà nước bảo vệ quyền dân sự của công dân, doanh nghiệp…

Thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện nói riêng tự nó không làm phát sinh quan hệ tố tụng dân sự, không là sản phẩm của quan hệ tố tụng nhưng thời hiệu, thời hiệu khởi kiện lại là cơ sở phát sinh quan hệ dân sự, quyền hoặc nghĩa vụ dân sự… Bởi lẽ khi thời hạn của thời hiệu kết thúc, dù đó là loại thời hiệu nào cũng sẽ làm phát sinh một sự kiện pháp lý.

Sự kiện pháp lý là gì? Sự kiện pháp lý là một khái niệm pháp lý hàm chứa tính đa dạng trong biểu hiện, nhưng có thể khái quát ngắn gọn là: “Sự kiện pháp lý phải là một sự kiện có thật trong thực tế, nhưng một sự kiện có thật chỉ có thể trở thành sự kiện pháp lý khi được pháp luật quy định mà trở thành cơ sở làm nảy sinh quan hệ pháp luật [1]”.

Thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự hay thời hiệu khởi kiện hoàn toàn đáp ứng nội hàm khái niệm nói trên về “sự kiện pháp lý”.

Ví dụ Theo quy định tại Điều 236 BLDS năm 2015 thì một người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai, liên tục 10 năm một động sản (không phải đăng ký) và trong khoảng thời gian này không xuất hiện các sự kiện bắt đầu lại thời hiệu, thời gian không tính vào thời hiệu thì người chiếm hữu đó được pháp luật công nhận là chủ sở hữu đối với tài sản mà mình đang chiếm hữu (mặc nhiên thừa nhận tư cách chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc thời hạn của thời hiệu). Nếu người chiếm hữu bán tài sản đó cho người khác thì hợp đồng mua bán đó là hợp pháp, được công nhận. Giả sử người nguyên là chủ sở hữu khởi kiện đòi lại tài sản (động sản) sau thời hạn mười năm, hay nói chính xác chủ sở hữu khởi kiện sau khi đã xuất hiện thời hiệu hưởng quyền dân sự với nội dung yêu cầu cơ quan tài phán hủy hợp đồng mua bán, đòi lại tài sản thì sẽ bị cơ quan tài phán bác yêu cầu, do người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục được pháp luật công nhận đã là chủ sở hữu tài sản này theo thời hiệu hưởng quyền dân sự tại thời điểm kết thúc thời hạn của thời hiệu.

Đối với di sản thừa kế, nếu hết thời hiệu khởi kiện thì di sản thuộc về người thừa kế đang chiếm hữu di sản đó, hoặc di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 BLDS năm 2015; trường hợp không có người thừa kế nào chiếm hữu di sản tại thời điểm hết thời hiệu hoặc tuy có người đang chiếm hữu di sản (nhưng họ không phải người thừa kế) không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 236 BLDS 2015 (tức là không chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản) thì di sản thuộc về nhà nước [2].

+ Hai là, thời hạn, thời hiệu là một phần không thể tách rời trong quan hệ dân sự. Trong mối quan hệ giữa thời hạn và thời hiệu thì thời hiệu chỉ là một thời hạn do Bộ luật dân sự quy định. Thời hạn nói chung thì có thể hình thành từ sự thỏa thuận của các bên, cũng có thể do pháp luật quy định. Tuy nhiên, đối với thời hạn của thời hiệu phải do pháp luật quy định, trong đó không chỉ có thời hiệu khởi kiện mà còn có nhiều loại thời hiệu khác nhau, thời hiệu khởi kiện chỉ là một loại của thời hiệu được quy định cho những loại quan hệ dân sự cụ thể với những thời hiệu được xác định trong luật nội dung.

+Ba là, Xác định thời hiệu khởi kiện còn hay hết trước tiên phải xác định có tồn tại quan hệ pháp luật dân sự đó hay không, thời điểm bắt đầu của thời hiệu, thời điểm vi phạm và thời điểm chủ thể trong quan hệ dân sự biết quyền, lợi ích của mình trong quan hệ dân sự đó bị vi phạm… là cơ sở tính thời điểm bắt đầu và kết thúc của thời hiệu khởi kiện với chính quan hệ dân sự có tranh chấp đó.

Cũng giống như các loại thời hiệu khác, khi thời hiệu khởi kiện xuất hiện tức có một sự kiện pháp lý đã diễn ra sẽ là cơ sở phát sinh một quan hệ dân sự. Trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện mà bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình, bên có nghĩa vụ nếu không muốn thực hiện nghĩa vụ sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự quy định về thời hiệu (quy định thời hiệu đối với quan hệ đang tranh chấp) để xác định rằng khi kết thúc thời hạn thuộc thời hiệu khởi kiện thì cơ quan tài phán không được xem xét quyền, nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ, không được chấp nhận quyền dân sự của bên khởi kiện. Điều đó cũng có nghĩa bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự đó, điều này cho thấy hậu quả của hết thời hiệu khởi kiện cũng có nét tương tự như thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu hưởng quyền dân sự. Bộ luật dân sự 2015 khi quy định về thời hiệu thừa kế tại Điều 623 đã ứng dụng Điều 236 BLDS để khắc phục khoảng trống pháp luật về thời hiệu thừa kế khi thời hiệu khởi kiện kết thúc, tạo sự liên hoàn trong các quy định của pháp luật.

+ Bốn là, những vấn đề chung về thời hạn, thời hiệu, các loại thời hiệu đều được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật nội dung.

Cần phải thấy một quan hệ mà pháp luật của nước ta có quy định về thời hiệu khởi kiện hay không quy định về thời hiệu khởi kiện, quy định về thời hạn khởi kiện bao lâu xuất phát từ chính bản chất quan hệ pháp luật nội dung, tính chất của quan hệ pháp luật đó (bao gồm cả yếu tố kinh tế, xã hội, tâm lý, nhu cầu ổn định quan hệ…) chứ không phải xuất phát từ quan hệ tố tụng, không hình thành từ quan hệ tố tụng. Do đó, mỗi nước xuất phát từ sự phát triển kinh tế, xã hội, tâm lý, tính chất của quan hệ…mà việc quy định về thời hạn của thời hiệu của mỗi quan hệ pháp luật dài hay ngắn, loại quan hệ nào không quy định về thời hiệu, quy định như thế nào vv…, nhưng không vì sự khác nhau đó mà thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện được quy định trong luật của mỗi nước lại khác nhau về bản chất (như nước ta có quy định về thời hiệu thừa kế, song trên thế giới có nước lại không quy định thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ thừa kế) như có ý kiến của một thạc sỹ đã nêu ra trong hội thảo về án lệ.

-Về cơ sở pháp lý của thời hiệu:

Loại thời hiệu thứ nhất: là thời hiệu hưởng quyền dân sự đã nêu trong ví dụ trên được quy định tại các Điều 255, 247, 248, 249, 250, 251, 252 BLDS năm 1995; các Điều 247, 239, 240, 241, 242, 243,244 BLDS năm 2005; Các Điều 236, 228, 229, 230, 231, 232, 233, khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015.

Loại thời hiệu thứ hai: là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Loại thời hiệu này được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014…

Loại thời hiệu thứ ba: là thời hiệu xác định giao dịch dân sự vô hiệu tương đối (bị hạn chế thời gian yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu) được quy định tại Điều 140,141,142 143 BLDS năm 1995; các Điều 130, Điều 131, Điều 132, Điều 133 Điều 134 BLDS năm 2005; các Điều 125, 126, 127, 128, 129 BLDS năm 2015. Thời hiệu xác định giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối thì bên khởi kiện có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế về thời gian, được quy định tại Điều 137, 138, 139 BLDS năm 1995; các Điều 128, 129 BLDS năm 2005 và Điều 123, 124 BLDS năm 2015…

Loại thời hiệu thứ tư: là thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được quy định trong rất nhiều trong các văn bản pháp luật nội dung, như pháp lệnh thừa kế, pháp lệnh hợp đồng dân sự, pháp lệnh kinh tế, các Bộ luật dân sự năm 1995, 2005, 2015 và rất nhiều luật chuyên ngành. Trong các luật nội dung có quy định rất nhiều thời hạn của thời hiệu khác nhau tùy theo tính chất quan hệ pháp luật đó mà thời hiệu khởi kiện có thời hạn từ 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm, 5 năm … như Luật Thương mại, Luật Bảo hiểm, Luật Khám chữa bệnh, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Lao động, và thời hiệu khởi kiện dài nhất là 30 năm được quy định trong BLDS năm 2015.

Thời hiệu thứ năm: là thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Trong các loại thời hiệu nói trên, xét về biểu hiện thì thời hiệu xác định giao dịch vô hiệu tương đối hay giao dịch vô hiệu tuyệt đối và thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự có chung bản chất, nó đều thuộc phạm trù thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu nhưng chỉ khác về thời hạn được quyền yêu cầu và cũng có trường hợp khác về hậu quả. Ví dụ quy định của pháp luật đối với giao dịch bị vô hiệu tương đối thì BLDS năm 1995 quy định chỉ có 1 năm, còn BLDS năm 2005, 2015 quy định là hai năm để yêu cầu tuyên bố giao dịch này vô hiệu. Sau (một hay) hai năm mà không do trở ngại khách quan, bất khả kháng… thì yêu cầu này (yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sụ vô hiệu) sẽ không được chấp nhận, các bên phải thực hiện quyền nghĩa vụ trong giao dịch; giao dịch đó được công nhận có hiệu lực dù khi hai bên xác lập giao dịch có vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch.

Đối với những quan hệ mà luật quy định về thời hiệu khởi kiện, ví dụ như thời hiệu thừa kế, thời hiệu khởi kiện trong quan hệ hợp đồng mua bán vv… thì khi hết thời hạn đó mới khởi kiện cơ quan có thẩm quyền không được xem xét về nội dung quyền, nghĩa vụ trong quan hệ đó và hệ quả có thể dẫn đến một bên mất quyền dân sự, một bên không phải thực hiện nghĩa vụ dân sự trong quan hệ đã hết thời hiệu khởi kiện nếu bên có nghĩa vụ không muốn (đã yêu cầu cơ quan tài phán áp dụng thời hiệu khi bên kia đã khởi kiện) và không tự giác thực hiện (nếu không có việc khởi kiện). Nói khác đi, khi thời hiệu khởi kiện kết thúc bên có nghĩa vụ không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự trong quan hệ đó, do không còn cơ chế bảo đảm quyền, nghĩa vụ dựa trên quyền lực nhà nước, chứ không phải mất quyền khởi kiện theo đúng nghĩa của thuật ngữ pháp lý này. Tác giả sẽ làm rõ nội dung này ở phần dưới khi đề cập về khía cạnh tố tụng nhằm làm nổi bật hơn thời hiệu khởi kiện thuộc luật nội dung.

Các luận điểm đã được phân tích, bình luận trên cho thấy khi hết thời hiệu (thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự hay thời hiệu khởi kiện…) bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, hậu quả của việc áp dụng thời hiệu là tương tự nhau.

Những người theo quan điểm thời hiệu khởi kiện thuộc phạm vi tố tụng cũng vẫn công nhận thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu xác định giao dịch vô hiệu tương đối, vô hiệu tuyết đối thuộc pháp luật nội dung, không thuộc quan hệ tố tụng. Thiết nghĩ sự công nhận nói trên làm cho quan điểm xác định thời hiệu khởi kiện thuộc về tố tụng thiếu sức thuyết phục, tự mâu thuẫn và không bảo đảm tính logic trong luận điểm của mình.

Xem xét thời hiệu khởi kiện dưới cả hai góc nhìn về luật hình thức và luật nội dung thì theo quy định của BLDS, người có quyền dân sự bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khỏi sự xâm phạm bằng nhiều hình thức bao gồm quyền tự bảo vệ, yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền bảo vệ, yêu cầu cơ quan tài phán bảo vệ (tài phán công- tòa án, tài phán tư-trọng tài thương mại).

Quyền tự bảo vệ hay yêu cầu và thực hiện quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan tư pháp hay cơ quan hành chính) bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm phạm là một quyền dân sự thuộc quan hệ dân sự (chứ không phải là một quyền tố tụng, thuộc về quan hệ tố tụng) được quy định tại Điều 2, Điều 3 và được quy định tại mục 2 chương XI phần thứ hai BLDS năm 2015. Do đó, khi người có quyền, lợi ích bị xâm phạm thực hiện quyền yêu cầu cơ quan tài phán bảo vệ quyền lợi ích của mình (như yêu cầu tòa án) bằng hình thức viết đơn khởi kiện, gửi đơn khởi kiện và cơ quan tài phán tiếp nhận đơn khởi kiện, vào sổ nhận đơn, thì theo quy định của BLTTDS năm 2015 cũng chưa phát sinh, chưa hình thành quan hệ tố tụng dân sự, mới chỉ hình thành quan hệ hành chính tư pháp.

Do đó, khi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được gửi đến tòa án thì tòa án phải tiếp nhận đơn và vào sổ nhận đơn. Cũng theo quy định của BLTTDS, Tòa án không được từ chối nhận đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền của tòa án nơi tiếp nhận đơn. Nói khác đi, khi loại việc thuộc thẩm quyền Tòa án, đơn khởi kiện được gửi đến đúng tòa án có thẩm quyền (thẩm quyền theo cấp tòa án, thẩm quyền theo lãnh thổ hoặc thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu) thì Tòa án phải tiếp nhận đơn và vào sổ nhận đơn. Tùy theo cách thức tổ chức công việc mà mà tòa án đã nhận đơn phải thực hiện các hoạt động mà Điều 191 BLTTDS năm 2015 quy định với tiêu đề “thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện”.

Xét về thực chất (theo quy định của BLTTDS) thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện thuộc phạm vi, thủ tục hành chính, quan hệ hành chính tư pháp chứ chưa phải là thủ tục tố tụng dân sự. Quan hệ tố tụng dân sự chỉ chính thức được xác lập giữa các chủ thể tham gia trong quá trình giải quyết vụ án từ khi tòa án thụ lý vụ án, điều đó được thể hiện ở các quy định về thời hạn giải quyết vụ án, cùng hàng loạt hoạt động tố tụng như lập hồ sơ, xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng, làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án, tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp , tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải, ra các quyết định như tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án công nhận thỏa thuận của các đương sự, đưa vụ án ra xét xử như quy định tại Điều 179 và nhiều điều luật khác của BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011, Điều 203 BLTTDS năm 2015.

Cũng từ thời điểm thụ lý các quyền nghĩa vụ của đương sự mới chính thức vận hành theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự. Bởi chỉ sau khi thụ lý quan hệ pháp luật tố tụng mới thực sự được xác lập giữa Tòa án với đương sự, Tòa án với Viện kiểm sát…và mới bị kiểm soát theo quy trình, thủ tục tố tụng, thông qua quyền của các bên như quyền sửa đổi, bổ sung yêu cầu, nghĩa vụ chứng minh, quyền kháng cáo, kháng nghị các quyết định của Tòa án. Trong khi ở giai đoạn trước thụ lý rất nhiều hoạt động giữa tòa án và đương sự không được kiểm soát bởi thủ tục tố tụng. Ví dụ nếu việc trả lại đơn khởi kiện không đúng các bên chỉ có quyền khiếu nại, kiến nghị theo thủ tục xem xét khiếu nại thuộc thủ tục hành chính tư pháp, dù BLTTDS năm 2015 đã đưa ra thủ tục xem xét khiếu nại chặt chẽ hơn trước, nhưng không vì thế mà tính chất của thủ tục được thay đổi [3].

Như vậy, khi chủ thể viết đơn, gửi đơn khởi kiện thì trước tiên đó là một quyền dân sự, thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích thuộc quan hệ pháp luật dân sự, nó chưa được coi là một hành vi tố tụng, quan hệ tố tụng chưa được thiết lập.

Tại thời điểm BLTTDS năm 2004 chưa được sửa đổi đã quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 về việc “thời hiệu khởi kiện đã hết” thì trả lại đơn khởi kiện. Quy định này không đúng do không bảo đảm quyền tiếp cận công lý, tính cẩn trọng, công khai, công bằng của người dân, doanh nghiệp; đã tước bỏ một quyền dân sự của chủ thể (khi chưa qua một trình tự, thủ tục của tố tụng dân sự) là quyền bảo vệ lợi ích của mình thông qua quyền yêu cầu (cơ quan có thẩm quyền) bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình đã được BLDS quy định. Sau khi BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 đã rất đúng khi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 và BLTTDS năm 2015 tiếp tục kế thừa sự sửa đổi, bổ sung đó (sự sửa đổi này đáp ứng được rất nhiều khía cạnh, không chỉ dưới góc độ pháp lý nên hàm chứa nhiều ý nghĩa, mang tính nhân văn).

Khi tiếp nhận đơn khởi kiện, dù có đương sự phản đối việc nhận đơn của Tòa án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, đã chứng minh đày đủ, rõ ràng và bên khởi kiện dù có công nhận là thời hiệu khởi kiện đã kết thúc thì Tòa án cũng không được trả lại đơn khởi kiện mà vẫn phải thụ lý để bảo đảm quyền yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích của chủ thể (một quyền dân sự). Sau khi thụ lý trên cơ sở yêu cầu của đương sự về vấn đề thời hiệu, nếu hồ sơ chưa có hoặc chưa có đủ thì tòa án yêu cầu các bên cung cấp tài liệu, chứng cứ, kiểm tra tài liệu, chứng cứ, quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện của quan hệ pháp luật đang tranh chấp nếu đúng là hết thời hiệu mới được ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo bài “Thời hiệu dân sự- nhìn từ góc độ lịch sử và so sánh” đăng tại Tạp chí Tòa án nhân dân số tháng 6 năm 2011 của TS. Trần Anh Tuấn, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội thì khi hết thời hiệu mới khởi kiện Tòa án của Pháp không đình chỉ mà bác yêu cầu. Tác giả cho rằng bác yêu cầu (với thủ tục rút gọn) thay cho việc đình chỉ giải quyết vụ án mới bảo đảm tính khoa học, do vấn đề thời hiệu phải được xem xét cẩn trọng ở nhiều khía cạnh, từ các quy định của pháp luật về thời hiệu bao gồm quy định của pháp luật về thời hiệu đối với quan hệ pháp luật đang tranh chấp, các quy định về bắt đầu lại thời hiệu, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, tài liệu, chứng cứ do hai bên xuất trình về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện, thời điểm kết thúc của thời hiệu vv…, khi đủ căn cứ thời hiệu khởi kiện đã hết thì mới bác yêu cầu, nhưng BLTTDS hiện hành đang quy định là căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án.

Như vậy, hết thời hiệu khởi kiện chủ thể không mất quyền khởi kiện, như quy định chưa đúng tại điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2004 và chính tác giả bài viết này cũng có lúc đã sử dụng cụm từ chưa chính xác là “mất quyền khởi kiện”. Cụm từ “mất quyền khởi kiện”cũng thường được thể hiện trong giáo trình luật tố tụng dân sự hoặc theo quan điểm thứ nhất. Và đáng tiếc là tại khoản 3, khoản 4 Điều 150 BLDS 2015 khi quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu cũng đã viết không chính xác là “nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” [4]. Quy định này mâu thuẫn với các quy định khác trong BLDS và BLTTDS, nó xung đột với quyền dân sự như đã phân tích ở các phần trên.

Hết thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thuộc quan hệ pháp luật nội dung nên tại khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 mới quy định rất hợp lý, đúng với nguyên tắc đặt ra trong bộ luật dân sự là chỉ xem xét còn hay hết thời hiệu khi có đương sự yêu cầu, dựa trên quyền tự quyết trong quan hệ dân sự. Khi việc khởi kiện đã được tòa án thụ lý thì các bên tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự có quyền như quy định tại khoản 2 Điều 149, nhưng người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu không được từ chối áp dụng thời hiệu nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Quy định tại Điều 149 BLDS năm 2015 càng cho chúng ta thấy rõ hơn thời hiệu khởi kiện không là cơ sở hình thành quan hệ tố tụng mà nó là một quyền dân sự thuộc quan hệ pháp luật dân sự, do luật dân sự điều chỉnh.
Với các quy định trên có thể rút ra các vấn đề có ý nghĩa cho nhận thức và ứng dụng:

Một là, khi kết thúc thời hiệu khởi kiện quyền nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật đó không tự nhiên bị triệt tiêu, các bên vẫn tự do thực hiện, nếu bên có nghĩa vụ muốn thực hiện.

Hai là, khi thời hiệu khởi kiện kết thúc nó chỉ làm mất đi sự bảo đảm bằng quyền lực nhà nước đối với bên có quyền.

Ba là, hệ quả của việc hết thời hiệu khởi kiện bên có nghĩa vụ trong quan hệ này không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên có quyền khởi kiện ra cơ quan tài phán thì cơ quan tài phán sẽ không xem xét quyền, nghĩa vụ…của các bên trong quan hệ đã hết thời hiệu, khi một bên hay các bên yêu cầu áp dụng thời hiệu.

Trong bài Hủy phán quyết trọng tài thực trạng và hướng áp dụng thống nhất của phó giáo sư-tiến sĩ Đỗ Văn Đại cũng cho rằng: “Thời hiệu khởi kiện… là vấn đề về “nội dung” tranh chấp…. Bởi lẽ:

Thứ nhất, theo Điều 671 BLDS năm 2015, “thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó”. Quy định này cho thấy thời hiệu trong đó có thời hiệu khởi kiện là vấn đề gắn liền với nội dung quan hệ nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật điều chỉnh quan hệ (không chịu sự điều chỉnh của pháp luật tố tụng).

Thứ hai, theo khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015, “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Quy định này cho thấy thời hiệu là vấn đề thuộc quyền định đoạt của các bên mà Toà án không tự được áp dụng nên thời hiệu trong đó có thời hiệu khởi kiện là vấn đề thuộc về nội dung quan hệ mà không là vấn đề thuộc tố tụng (nếu là vấn đề tố tụng thì các bên không được quyền định đoạt và thuộc phạm vi tự chủ của cơ quan tài phán).

Thứ ba, theo khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015, “thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”.Quy định này cho thấy pháp luật tố tụng dân sự không điều chỉnh vấn đề thời hiệu nữa mà để vấn đề này cho pháp luật dân sự (pháp luật nội dung) điều chỉnh. Nội dung này cho thấy các nhà lập pháp đã theo hướng vấn đề thời hiệu trong đó có thời hiệu khởi kiện không thuộc vấn đề về tố tụng mà là vấn đề về nội dung tranh chấp [5]”.

Cũng theo TS.Đỗ Văn Đại thì Tòa án của Pháp cũng xác định thời hiệu khởi kiện là thuộc luật nội dung, không là căn cứ hủy phán quyết: “một bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong đó có nội dung liên quan đến việc Trọng tài xác định đã hết thời hiệu khởi kiện. Tòa án đã bác yêu cầu này với lý do ”Secol khiếu nại việc quyết định của Trọng tài đã tính thời hiệu khởi kiện từ ngày họ có quyền lần đầu tiên bị phản đối, không tính tới những trao đổi, thương lượng trước đó thực tế buộc thẩm phán xem xét hủy phán quyết trọng tài xét lại nội dung phán quyết, điều mà pháp luật cấm thẩm phán được làm” [6]

3. Một vài kiến nghị

3.1- Do đang có nhận thức khác nhau về thời hiệu khởi kiện thuộc về luật nội dung hay luật hình thức (tố tụng), khi nhận thức không đúng sẽ để lại những hậu quả không nhỏ trong hoạt động thực tiễn, ảnh hưởng nhiều mặt nếu khi xét xử tòa án đưa ra những quyết định không đúng. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn hoặc ít ra cần ban hành một vài án lệ về vấn đề này, trong đó dự thảo án lệ số 16 đối với nguồn án lệ là Quyết định số 11/2018/QĐ-PQTT ngày 12-10-2018 của TAND Tp HN là một lựa chọn tốt.

3.2- Quy định về thời hiệu khởi kiện là quy định dành cho những quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, được “ra đời” từ chính quan hệ pháp luật dân sự chứ không phải từ quan hệ tố tụng, nó cũng không phải là một thủ tục tố tụng, do đó, để tránh gây nhầm lẫn trong nhận thức tác giả kiến nghị khi có dịp sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự không quy định thời hiệu khởi kiện trong luật này, dù chỉ quy định viện dẫn như BLTTDS năm 2015. Khi đương sự muốn áp dụng về thời hiệu, phản đối việc áp dụng thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện nói riêng thì những chủ thể này đương nhiên phải xem xét và chỉ ra quan hệ đang tranh chấp pháp luật đã quy định cụ thể về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện như thế nào, quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, quy định về tính liên tục của việc chiếm hữu vv…(hiện nay đều quy định trong luật nội dung, việc quy định đó là phù hợp và đúng với bản chất dân sự của thời hiệu, thời hiệu khởi kiện) và Tòa án phải trên cơ sở các quy định về thời hiệu khởi kiện trong luật nội dung và tài liệu, chứng cứ đã được xuất trình để quyết định về vấn đề thời hiệu, thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu khởi kiện…, do các đương sự đặt ra trong vụ việc dân sự. Tác giả cũng nói rõ kiến nghị này xuất phát từ nhận thức sai lầm trong thực tế, và mong muốn hạn chế những sai lầm không đáng có, chứ không phải với nghĩa mọi vấn đề quy định trong luật tố tụng là thuộc quan hệ tố tụng để đưa ra kiến nghị. Nếu không vì nhận thức sai lầm thì quy định viện dẫn như Điều 184 BLTTDS năm 2015 cũng không phải là thừa.

3.3- Bỏ căn cứ đình chỉ quy định tại e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015.

Khi có đương sự nêu ra vấn đề thời hiệu nói chung, thời hiệu khởi kiện nói riêng cơ quan tài phán phải căn cứ tài liệu, chứng cứ do hai bên xuất trình, do cơ quan tài phán thu thập được; căn cứ quy định của pháp luật quy định về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện và khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015 để xác định bên khởi kiện còn quyền tài sản đó hay đã mất (do thời hiệu) thì Tòa án phải bằng một phán quyết xét xử nội dung quan hệ hay bác yêu cầu (nếu không còn cơ chế bảo vệ quyền dân sự do xuất hiện sự kiện pháp lý là hết thời hiệu) của đương sự. Do đó, trong BLTTDS không nên quy định căn cứ đình chỉ là hết thời hiệu khởi kiện để bảo đảm tính nhất quán trong phán quyết của cơ quan tài phán khi xem xét về vấn đề thời hiệu nói chung. Bởi lẽ, các trường hợp về thời hiệu khác, ví dụ như quy định tại Điều 236, quy định về thời hiệu tại khoản 1 Điều 132 BLDS thì BLTTDS không quy định căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án, trên thực tế gặp trường hợp này Tòa án đã xử bác yêu cầu.

3.4- Như trên đã phân tích, trước đây vấn đề thời hiệu, thời hiệu khởi kiện chỉ quy định trong luật nội dung, trừ pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, sau đó tiếp tục quy định tại Điều 159 và Điều 160 BLTTDS năm 2004. Khi BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì tại khoản 3, khoản 4 Điều 159 của Bộ luật có một quy định “quét” là: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.”

Với quy định “quét” nói trên trường hợp một quan hệ pháp luật dân sự nào đó mà BLDS, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hàng hải và các văn bản luật khác không quy định thời hiệu thì thời hiệu khởi kiện vụ án, thời hiệu yêu cầu giải quyết viêc dân sự sẽ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 159 BLTTDS (hai năm đối với vụ án và một năm đối với loại việc).

Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 đã bỏ quy định “quét” nói trên về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu mà chỉ quy định viện dẫn về áp dụng thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật dân sự là không bảo đảm tính đày đủ, chính xác, vì thời hiệu khởi kiện không chỉ quy định trong BLDS mà còn quy định trong nhiều Bộ luật, luật khác như phân tích ở các phần trên. Trong khi BLDS chỉ quy định thời hiệu khởi kiện đối với một số quan hệ dân sự (quan hệ thừa kế, quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu), một số luật chuyên ngành có quy định về thời hiệu, nhưng không phải tất cả các quan hệ dân sự, kinh tế… đều đã quy định về thời hiệu khởi kiện. Hiện nay thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hầu như không có luật nào quy định.

Vì vậy, theo tác giả khi có dịp sửa đổi, bổ sung BLDS cũng nên có một quy định “quét” về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tương tự như đã được quy định trong BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 để bảo đảm các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng đều có thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, trừ những quan hệ pháp luật không áp dụng thời hiệu đã được quy định trong bộ luật dân sự. Đồng thời để bảo đảm tính nhất quán và đồng bộ, cũng cần rà soát từ đó bổ sung những trường hợp (quan hệ pháp luật dân sự) không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu vào Điều 155 BLDS năm 2015 hoặc luật khác./

1.Từ điển luật học do Nhà xuất bản Từ điển bách khoa- Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2006, trang 680.
2.Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015
3. Về tính hợp lý hay không hợp lý đối với các thủ tục trước thụ lý và thời điểm thụ lý cũng là một vấn đề cần suy nghĩ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý, tăng tính khách quan, chặt chẽ ngăn ngừa việc gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp hạn chế kéo dài việc giải quyết tranh chấp, tác giả sẽ trình bày trong một bài khác khi có dịp.
4. Trong BLDS còn nhiều trường hợp quy định chưa chuẩn xác, ví dụ như quy định tại Điều 182, Điều 623 …Bạn đọc quan tâm có thể đọc bài “đôi điều suy nghĩ về nội dung được bổ sung tại khoản 1 Điều 182 BLDS 2015” trang 544, và bài “Hưởng di sản theo thời hiệu- vấn đề đặt ra và hướng hoàn thiện”, trang 515 cuốn “ Thời hiệu, thừa kế và thực tiễn xét xử” của tác giả Tưởng Duy Lượng do nhà Xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2017, sẽ tái bản có sửa chữa, bổ sung và phát hành đầu năm 2020; bài ”tài sản thế chấp và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thế chấp-những vấn đề cần lưu ý, trang 125 tập 1 cuốn “Pháp luật dân sự-kinh tế và thực tiễn xét xử” của tác giả Tưởng Duy Lượng, do nhà Xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2019; bài “Nên giải thích, hướng dẫn áp dụng Điều 129 BLDS 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như thế nào”, trang 34 cuốn “Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử” tái bản lần thứ 6 của tác giả Tưởng Duy Lượng, do nhà Xuất bản chính trị quốc gia sự thật ấn hành tháng 7 năm 2019. Một số quy định chưa chuẩn xác khác của BLDS còn được tác giả nêu trong nhiều bài viết khác đã in trong các cuốn sách nói trên hoặc sẽ được in trong ấn phẩm khác thời gian tới.
5. Bài của Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ văn Đại tại hội thảo giữa các chuyên gia với Tòa kinh tế tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại Hà nội ngày 17 tháng 5 năm 2019.
6. CA Paris (Pôle 1, ch. 1), 26 juin 2012, no 10-18442, Secol c/Compania Nationala de Autostrazi si Drumuri Nationale din Romania: Cahiers de l’arbitrage n° 3/2012, tr.702.

Nguồn tin: tapchitoaan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây